Việc tăng lãi suất điều hành của NHNN Việt Nam là phù hợp xu hướng nhiều nước đã nâng lãi suất để đối phó với sức ép lạm phát cao, sự mất giá của nhiều đồng tiền so với đồng USD trên thế giới và cũng phù hợp với yêu cầu của Chính phủ về điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ với tài chính, nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng... Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đã và đang rục rịch tăng lãi suất huy động và có thể cả lãi suất cho vay. Dù muốn hay không, tác động hai mặt của việc tăng lãi suất điều hành, huy động và cho vay đang đậm dần.

Lãi suất là giá của đồng tiền quốc gia. Việc tăng lãi suất được sử dụng phổ biến như một công cụ mạnh trong kiểm soát lạm phát và để bảo vệ nội tệ trước sự biến động nhanh chóng của các luồng vốn trên thị trường quốc tế và trước những thiếu hụt trong cán cân thanh toán quốc tế; đồng thời hạn chế tiêu dùng, tăng tích trữ hàng hóa và vàng, làm tăng tiền gửi và sử dụng tiết kiệm các khoản vay, làm giảm cầu tín dụng, thu hẹp nhập khẩu. Mức lãi suất càng cao hơn mức lạm phát thì tác động tức thời của nó đến việc giảm phát càng rõ rệt.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa / Vietnam+ 

Tuy nhiên, ở các nước có mức lãi suất quá cao sẽ dẫn tới hạn chế đầu tư xã hội, tăng đình trệ, suy thoái, thất nghiệp và phá sản, gây áp lực lạm phát tương lai bởi gánh nặng nợ lãi huy động cho ngân hàng và ngân sách nhà nước. Mức lãi suất cho vay cao "ở đầu vào" sẽ được doanh nghiệp-người vay tự động chuyển vào giá cả "ở đầu ra", làm tăng mặt bằng giá của xã hội, tức làm tăng lạm phát chi phí đẩy. Ngoài ra, lãi suất cao còn có thể làm gia tăng lượng cung tiền từ nước ngoài, từ đó làm tăng áp lực lạm phát tiền tệ. Điều này càng rõ nét trong bối cảnh tự do hóa tài chính cao theo cam kết hội nhập trong các tổ chức kinh tế quốc tế (vì nếu lãi suất cao thì dòng vốn nước ngoài đổ vào gửi hoặc cho vay trong nước càng cao nhằm hưởng chênh lệch lãi suất so với thị trường lãi suất khu vực và quốc tế).

Hiện nay, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại thấp và phụ thuộc vào lãi suất điều hành của NHNN Việt Nam. Nhưng lãi suất cho vay hoàn toàn do các ngân hàng tự quyết định. Bởi vậy, việc NHNN Việt Nam tăng lãi suất điều hành và lãi suất huy động, cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch sẽ khiến biên lãi ròng (NIM) toàn ngành ngân hàng thu hẹp trong thời gian tới, dù mức độ không giống nhau cho từng ngân hàng, như các ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ chống chịu tốt hơn trước xu hướng gia tăng chi phí vốn.

Để thích ứng với hệ lụy của tăng lãi suất điều hành và cho vay, cần sự tích cực tham gia của các bên liên quan. Nhà nước một mặt linh hoạt điều hành lãi suất theo tín hiệu thị trường và mục tiêu quản lý vĩ mô; mặt khác, cần kích thích và quản lý sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán, gia tăng nguồn vốn chính sách với lãi suất ưu đãi, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa kênh huy động và giảm thiểu chi phí tiếp cận vốn. Các ngân hàng (người cho vay) cần tiết kiệm chi phí quản lý, đa dạng hóa các dịch vụ và khoản thu ngoài việc hưởng chênh lệch lãi suất vay theo kênh cho vay kiểu truyền thống. Các doanh nghiệp (người đi vay) cần chủ động rà soát các kế hoạch đầu tư, cân nhắc kỹ quy mô, chi phí và tiến độ dùng vốn vay ngân hàng; đồng thời, đa dạng hóa các kênh huy động vốn, ưu tiên các dòng vốn huy động trực tiếp và vốn chi phí thấp.

TS NGUYỄN MINH PHONG