Qua buổi làm việc, một vấn đề nổi lên là dường như bộ máy hành chính đang bị làm khó bởi những quy định hiện hành. Có những quy định về đầu tư công được cho là quá cứng nhắc, ảnh hưởng bất lợi đến việc thực thi, ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn vốn.

Về mặt tổng thể, năm nay các nguồn vốn đầu tư công được giao khá sớm. Thế nhưng hiện vẫn còn 4.074 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước, 44.802 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ chưa giao được. Nguyên nhân chính là theo quy định của Nghị định số 77/2015/NĐ-CP, được xây dựng theo tinh thần của Luật Đầu tư công thì quyết định đầu tư phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 31-10 của năm trước, nhưng danh mục một số dự án sử dụng hai nguồn vốn trên được phê duyệt sau thời điểm 31-10-2016, vì thế mới có chuyện hơn 48.000 tỷ đồng vốn đầu tư công đang bị ứ đọng, chưa tìm được cách nào để giao.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: TTXVN 

Cùng với đó, rất nhiều bất cập khác trong các quy định hiện hành được chỉ ra như: Có những dự án vốn huy động ngoài là chủ yếu, vốn đầu tư công chỉ chiếm khoảng vài phần trăm, nhưng vẫn bị quản lý rất chặt; vốn đã có sẵn nhưng thủ tục để chuyển nguồn vốn từ năm 2016 sang năm 2017 cũng mất đến nửa năm; rồi thì với các dự án vay ODA, đối tác chỉ quản lý nguồn vốn theo dự án thì phía ta lại rót vốn theo từng năm, rườm rà, làm chậm tiến độ.

Việc đưa ra các quy định để kiểm soát chặt chẽ vốn đầu tư công là cần thiết. Đặc biệt là do thời gian trước đây, việc sử dụng vốn đầu tư công được đánh giá là hiệu quả còn thấp, còn gây nhiều lãng phí, có lỗ hổng trong quản lý. Mục đích cuối cùng của việc đưa ra các quy định nhằm quản lý chặt vốn đầu tư công là để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tránh thất thoát, lãng phí, bảo đảm những công trình sử dụng vốn đầu tư công sẽ phục vụ trực tiếp, thiết thực vào tăng trưởng, vào sự phát triển cơ sở hạ tầng, tạo ra nhiều công ăn việc làm.

Thế nhưng nền kinh tế thị trường luôn cần một sự vận hành linh hoạt. Nguồn vốn bị giam một chỗ là sự lãng phí lớn. Các nguồn vốn đầu tư công, trong đó có nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn vay ODA đều là những nguồn huy động phải trả lãi. Mỗi ngày trôi đi số tiền lãi phải trả ngày một lớn, trong khi đó, công trình để phục vụ phát triển kinh tế không được thực hiện, việc làm không được tạo ra, vật liệu xây dựng không được tiêu thụ... Như thế là thiệt đơn thiệt kép. 

Vì thế, cùng với việc nâng cao năng lực thực thi của hệ thống hành chính, trong đó cần xử lý những cán bộ tắc trách, thì cũng rất cần xem xét lại các quy định để tìm ra được phương thức thực hiện hợp lý nhất, để bảo đảm nguồn vốn đầu tư công được sử dụng đúng đắn, kịp thời, mang lại hiệu quả cao.

HỒ QUANG PHƯƠNG