Việc TP Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng của các địa phương; Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu khối các bộ, ngành phần nào phản ánh “thước đo” về CCHC, phục vụ nhân dân của cơ quan công quyền.

Việc đánh giá, xếp hạng chỉ số CCHC chỉ không đơn thuần là thứ hạng, mà chính là để các bộ, ngành, địa phương biết mình đang ở đâu trong tiến trình CCHC, từ đó rà soát, xem xét lại cung cách phục vụ nhân dân của cơ quan, đơn vị mình, đồng thời đề ra chương trình hành động, nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN. 
Kết quả được công bố cũng cho thấy những thay đổi tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành CCHC và kết quả triển khai của các bộ, cơ quan, tỉnh, thành phố… trong các nội dung CCHC, đặc biệt là cải cách thể chế, thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành; đơn giản hóa, giải quyết nhanh, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính và phục vụ người dân tốt hơn.

Kết quả trên cho thấy tín hiệu đáng mừng của CCHC; người dân bớt phàn nàn hơn về thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, viên chức trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực, tuy đã được cải cách, nhưng vẫn còn rườm rà; việc triển khai dịch vụ công ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa thực sự vì lợi ích của người dân, của tổ chức, doanh nghiệp, gây lãng phí thời gian, công sức của người cần giải quyết thủ tục hành chính.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác CCHC, nhiều đơn vị, địa phương, với tinh thần cầu thị, đã tổ chức tìm hiểu, học tập kinh nghiệm ở những nơi làm tốt, vận dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn cơ quan, đơn vị mình. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các cơ quan hành chính không được “đùn đẩy” trách nhiệm, ngại khó, mà phải tạo thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Cùng với cải cách, tinh giản thủ tục hành chính, thì vấn đề cốt lõi vẫn là yếu tố con người, là công tác cán bộ. Bởi CCHC sẽ không thể đạt kết quả như mong muốn, nếu cán bộ, công chức, viên chức không thực sự tâm huyết, tận tụy phục vụ nhân dân, không là “công bộc” của dân, thậm chí không ít nơi vẫn còn tình trạng “hành dân”, gây phiền hà, nhũng nhiễu…, nếu không có khoản tiêu cực,“lót tay”. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; trọng tâm là công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị cố ý làm trái các quy định của pháp luật, gây khó khăn cho công dân, tổ chức...

Cần lấy tiêu chí phục vụ nhân dân và “thước đo” sự hài lòng của người dân làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy công quyền từ Trung ương đến cơ sở; tất cả vì lợi ích của đất nước, của nhân dân, không để lợi ích nhóm chi phối.

Mỗi lần công bố chỉ số CCHC, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp lại mong mỏi, kỳ vọng hơn vào những đột phá, đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong CCHC, đồng thời là dịp để mỗi cơ quan, đơn vị và cán bộ thực thi công vụ “soi lại” mình, thấy rõ những hạn chế, tồn tại trong năm qua; sớm sửa chữa, khắc phục, góp phần xây dựng nền hành chính công thực sự minh bạch, vì dân.

KHÁNH MINH