Việc đưa công nghệ vào hoạt động phòng cháy, chữa cháy nói riêng, số hóa trong các lĩnh vực đời sống xã hội nói chung thực sự rất cần thiết. Đây cũng là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm mang lại tiện ích cho nhân dân, là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Thế nhưng, quá trình triển khai, ở một vài trường hợp cụ thể, không ít ứng dụng mang tính “thức thời” lại tỏ ra kém hiệu quả, thậm chí gây ức chế cho người dùng. Ví dụ, nhiều đơn vị cùng lúc cung cấp ứng dụng quản lý thông tin về dịch Covid-19, gây chồng chéo, lãng phí; hay vào một số ứng dụng về lĩnh vực y tế, người dùng như lạc trong ma trận, không biết lựa chọn nào là phù hợp...

Ứng dụng "Báo cháy 114". Ảnh: Công an Hà Nội.

Trên thực tế, khảo sát những người dùng ứng dụng "Báo cháy 114" cho thấy: Việc đăng ký, đăng nhập trên ứng dụng khó khăn; thông tin cung cấp còn nghèo nàn; phản ứng trước thông tin còn chậm. Đặc biệt, nội dung quan trọng nhất là việc báo cháy mất rất nhiều thời gian...

Mặc dù vừa qua, Công an TP Hà Nội liên tục gửi tin nhắn khuyến nghị người dân cài đặt ứng dụng "Báo cháy 114" nhưng kết quả là nhiều người vẫn "quay lưng" bởi tiện ích mang lại không như mong đợi. Do đó, rất cần một cuộc “chữa cháy” cho ứng dụng báo cháy nói riêng và cho các tiện ích số nói chung để các ứng dụng được dùng rộng rãi, phổ biến trong cộng đồng, mang lại tiện ích cho người dùng và cho xã hội.

Vì thế, các đơn vị trước khi xây dựng ứng dụng công nghệ cần khảo sát, tìm hiểu kỹ lưỡng, lấy ý kiến số đông người dùng. Ứng dụng công nghệ phải hoàn thiện ở mức độ cao, mang lại tiện ích thực sự, được cơ quan chức năng đánh giá khách quan trước khi thử nghiệm và cung cấp rộng rãi ra xã hội. Các đơn vị ở khối hành chính công liên quan mật thiết đến đời sống xã hội khi ứng dụng công nghệ phải hướng đến lợi ích người dùng; đặt yêu cầu cấp thiết trong quản lý, điều hành lên hàng đầu, chứ không phải vì thành tích số hóa hay chạy theo xu thế.

Mặt khác, với sự phát triển không ngừng của công nghệ, rất nhiều ứng dụng được các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp, tuy nhiên việc thẩm định của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo. Thực tế, có không ít ứng dụng số “tiếp tay” cho người dùng vi phạm pháp luật như đánh bạc, mãi dâm... đã xuất hiện trên kho công nghệ. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp ngăn chặn; có các chế tài, hành lang pháp lý phù hợp cho một lĩnh vực phổ biến trong đời sống xã hội; có các khuyến nghị, định hướng người dân lựa chọn, sử dụng các ứng dụng tốt, mang lại lợi ích cho người dân, tránh kiểu hàng loạt ứng dụng "nở hoa" mà không "kết trái", thậm chí gây nguy hại cho xã hội.

TRẦN ANH