Thực hiện Hiến pháp 2013, trong những năm qua công tác quản lý đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc sử dụng đất ngày càng có hiệu quả, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng- an ninh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì việc thi hành Luật Đất đai ở một số địa phương vẫn còn nhiều tồn tại. Việc giao đất có thu tiền và cho thuê đất thông qua đấu giá đất còn hạn chế. Việc giám sát sử dụng đất tại các dự án, công trình còn lỏng lẻo, nhiều trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng nhưng chưa được xử lý...
 |
Ảnh minh họa. |
Để khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, nhằm siết chặt quản lý đất đai, ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Trong Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai ở các cấp, các ngành, trên cơ sở đó có kế hoạch, biện pháp cụ thể để chấn chỉnh, xử lý, khắc phục kịp thời những tồn tại, bất cập, hạn chế trong việc thực hiện từng nội dung nhiệm vụ quản lý đất đai ở địa phương.
Chỉ đạo của Thủ tướng chấn chỉnh công tác quản lý đất đai lúc này là trùng hợp với ý Đảng, lòng dân, chắc chắn sẽ được sự đồng thuận của xã hội. Thế nhưng, để siết chặt công tác quản lý đất đai lại là vấn đề rất khó, bởi sẽ động chạm đến quyền lợi của không ít người. Vì thế cần có hành lang pháp lý đủ mạnh là các văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan chức năng cần khẩn trương xây dựng, ban hành các quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo phân cấp; đồng thời rà soát bãi bỏ, sửa đổi hoặc kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi các quy định đã ban hành nhưng không phù hợp. Chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định của pháp luật, cũng như đối với việc buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép hoặc chậm đưa đất vào sử dụng mà không xử lý kịp thời.
Giải pháp quan trọng để ngăn ngừa các hành vi tiêu cực liên quan đến đất đai là cải cách các thủ tục hành chính về đất đai để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Trước mắt, các địa phương cần rà soát, thống kê ngay các trường hợp còn tồn đọng chưa đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các hồ sơ đã tiếp nhận nhưng chậm giải quyết; các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ký còn chưa trao cho người được cấp; làm rõ nguyên nhân và có kế hoạch, biện pháp cụ thể để hoàn thành giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại kéo dài. Tập trung giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và môi trường đầu tư; chủ động tiếp nhận, xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các trường hợp phản ánh của người dân về tình hình vi phạm pháp luật đất đai để người dân tham gia giám sát thi hành Luật Đất đai./.
ĐỖ PHÚ THỌ