Ở chiều ngược lại, thông tin về cảnh báo mưa lớn ở khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên được dự báo tổng lượng mưa tích lũy từ đêm 13 đến 16-10 khoảng 200-500mm, có nơi trên 600mm, lại ít được người dân quan tâm, chia sẻ, cũng như công tác chuẩn bị ứng phó của các bên liên quan. Hai nguồn tin đều do Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cung cấp.

“Rốt ráo bão, hời hợt mưa” là thực trạng phản ánh những gì đang diễn ra, thể hiện sự ứng phó của cơ quan chức năng, hay người dân ở khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai. Một số chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai cho rằng, chúng ta đang xem nhẹ mưa, áp thấp nhiệt đới và lụt so với bão. Khi có tin bão thì truyền thông tới tấp, chuẩn bị rốt ráo, nhưng khi có mưa lớn với nguy cơ gây lụt và lũ thì lại hời hợt, ít được chú trọng. Việc này không chỉ riêng truyền thông mà cả sự chuẩn bị ứng phó của các bên liên quan. Trong khi thời gian qua, mưa, lụt cực đoan, hoàn lưu sau bão... gây thiệt hại lớn hơn nhiều những gì mà bão trực tiếp tác động.

Những cơn mưa lớn khiến hệ thống thoát nước của TP Đà Nẵng quá tải, nhiều phương tiện chìm trong biển nước. 

Trận mưa lũ lịch sử tại Đà Nẵng vừa qua là một thực tế. Chỉ trong khoảng 7 giờ mưa liên tục, lượng mưa lên đến gần 800mm, cao hơn tổng lượng mưa trung bình của một tháng, kỷ lục này chưa từng được ghi nhận trước đó. 

Dù rằng, các cơ quan chức năng đã có nhiều hình thức cảnh báo, dự báo, song chủ động ứng phó với thiên tai là điều không dễ dàng. Dưới tác động của biến đổi khí hậu thì tần suất thiên tai nhiều hơn, cường độ mạnh hơn và nhiều hiện tượng thời tiết bất thường, không còn diễn ra theo quy luật. Tất nhiên, ứng phó với bão thì không thể xem nhẹ. Vậy ở đây, sự quan tâm, truyền thông, công tác chuẩn bị, cảnh báo thiên tai không chỉ riêng về bão mà đối với mưa, áp thấp nhiệt đới... nếu có nguy cơ cũng phải được “đối xử” công bằng từ nhiều phía.

Để làm được điều này, cơ quan chức năng quản lý nhà nước cần phổ thông hóa các kiến thức về thiên tai để đánh giá được mức độ rủi ro xung quanh nơi người dân sinh sống. Đơn cử như với mức độ 400-600mm của một đợt mưa trong một khoảng thời gian nào đó thì sẽ ảnh hưởng đến hạ tầng, nơi ở như thế nào? Từ đó đưa ra các khuyến cáo đối với người dân có nên di chuyển, sơ tán tài sản hay không? Các cơ quan truyền thông thường xuyên thông tin, tuyên truyền về mức độ, cường độ cảnh báo thiên tai để mọi người dân không bị thiếu thông tin về tình hình mưa, bão; khi đưa tin liên tục về một vấn đề cần có những nhận định, giải pháp ứng phó với từng loại hình thiên tai nhằm giúp người dân chủ động; tuy nhiên, cũng tránh cường điệu hóa mưa, bão quá mức khiến mọi người lo lắng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt. Về phía người dân, cần chuẩn bị cho mình những kiến thức cơ bản về thời tiết, các kỹ năng phòng tránh thiên tai, thường xuyên cập nhật thông tin, nhất là những người sinh sống ở vùng trũng, khu vực thường xảy ra bão, lũ. Ngoài ra, cần có chính sách khoa học, hợp lý để sống chung với mưa, bão... Bởi sống cùng thiên tai, chấp nhận nó như một phần của cuộc sống để thích nghi, để tồn tại, đó mới là ứng phó thuận hòa với thiên nhiên, với mưa, bão.

VŨ DUY HIỂN