Cùng với đó, nền kinh tế thế giới xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7% và lạm phát giữ ở mức 4% thì tăng trưởng GDP 9 tháng còn lại phải đạt mức 7,1%. Như vậy, để đạt được mức tăng trưởng trên thì tăng trưởng GDP quý II phải đạt 6,26%; quý III là 7,29% và quý IV là 7,49%. Kịch bản tăng trưởng này đã tính đến điều kiện tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt mức 35% GDP, kế hoạch xuất khẩu, các điều kiện về kinh tế thế giới, kinh tế trong nước, thời tiết khí hậu... đều thuận lợi.
Ảnh minh họa/nguồn internet.
Đây rõ ràng là nhiệm vụ rất nặng nề, nếu xét đến thực tế là 6 năm qua, tăng trưởng GDP 9 tháng cuối năm ở nước ta chưa vượt qua con số 6,8%. Tuy nhiên, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm của Chính phủ sẽ nỗ lực đạt chỉ tiêu tăng trưởng 9 tháng còn lại là 7,1%, bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7% như đã đề ra. Bởi có thực hiện được các mục tiêu này mới bảo đảm được các cân đối vĩ mô như ngân sách Nhà nước, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu, việc làm, thu nhập, đời sống người dân... Đồng thời tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững những năm tiếp theo, đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 tăng trưởng 6,5%-7%.
Để làm được điều ấy, cả hệ thống chính trị sẽ phải nỗ lực vượt bậc. Mỗi bộ, ngành, địa phương đều phải thực hiện nhiệm vụ với một tâm thế đặc biệt, cụ thể hóa đến mức chi tiết nhất các kế hoạch, tích cực rà soát lại những khoảng dư địa tăng trưởng chưa được khai thác triệt để. Trong đó, lĩnh vực du lịch đang phát triển rất tốt, với số lượng khách quốc tế tăng tới 32%, hứa hẹn đem lại nguồn thu ngày càng lớn.
Vấn đề đang nổi lên là phải đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư phát triển. Ước tính 4 tháng qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách mới đạt 19,2%. Giải ngân các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 4,8 tỷ USD (trong khi đó, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần trong 4 tháng qua là 10,95 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016).
Sự rề rà trong tiến độ giải ngân vốn đầu tư đã ảnh hưởng tới tăng trưởng, việc làm, lãng phí vốn và giảm hiệu quả huy động vốn trái phiếu Chính phủ. Các nguyên nhân chủ quan đã được chỉ ra là giao vốn chậm, thủ tục đầu tư rườm rà, phức tạp; công tác chỉ đạo, điều hành ở một số bộ, địa phương, ban quản lý dự án còn thụ động, thiếu quyết liệt. Để khắc phục việc này, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan phải sớm hoàn thành toàn bộ việc giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Cùng với việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân, các dự án cũng được đốc thúc để đẩy nhanh tiến độ, sớm đi vào hoạt động. Những dự án có thể tạo cú hích lớn cho tăng trưởng trong năm 2017 và các năm tiếp theo như: Dự án cao tốc Bắc-Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành... cần sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện.
Để tạo những động lực phát triển từ thể chế, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần phải tập trung thực hiện tốt các nội dung trong Nghị quyết 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân. Có tạo được môi trường đầu tư kinh doanh thật thuận lợi, có gây được thiện cảm và sự yên tâm cho nhà đầu tư thì mới thu hút được thêm nhiều vốn, nhiều chất xám của cả xã hội vào việc phát triển kinh tế. Thời gian từ nay tới cuối năm 2017 là chặng đường đầy thử thách đối với hệ thống quản trị quốc gia, đòi hỏi sự phấn đấu, nỗ lực của từng bộ, ngành, địa phương và mỗi cán bộ, công chức, viên chức.
HỒ QUANG PHƯƠNG