Nghe thế, sống mũi tôi cay cay và cảm nhận được tình thương bao la mà mẹ luôn dành cho chúng tôi.
Mẹ tôi làm nghề giáo viên, có hơn 30 năm trong nghề. Nghỉ hưu, mẹ dường như trẻ thêm vài tuổi bởi mẹ nói, áp lực công việc không còn, tư tưởng thoải mái. Chúng tôi nghĩ mẹ sẽ có thời gian thảnh thơi để vui thú điền viên, đi du lịch, thăm lại những người bạn cũ đã bao năm không gặp... Nhưng mẹ không làm vậy. Ngày ngày mẹ dành hết thời gian chăm sóc con cháu. Công việc cứ thế cuốn mẹ bận rộn cả ngày, nhưng mẹ coi đó là niềm hạnh phúc của mình. Vui nhất là các cháu ngoan, ăn ngủ tốt, mẹ đem niềm vui đó khoe với các con. Mẹ coi đó là nguồn động viên, động lực vô bờ trong cuộc sống. Không riêng mẹ tôi, mà rất nhiều người phụ nữ tôi gặp cũng đều có chung những suy nghĩ và tình cảm như vậy.
 |
Hoa hồng là lựa chọn để các nam giới tặng phụ nữ ngày 8-3. Ảnh minh họa: TTXVN |
Trong kháng chiến, nước ta đã có hàng vạn tấm gương phụ nữ, các chị, các mẹ đã không tiếc máu xương, hy sinh cống hiến không chỉ cuộc đời mình mà còn cả con em cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Họ còn là hậu phương vững chắc-lao động cần cù, vượt khó hỗ trợ cho tiền tuyến chiến đấu. Đất nước thống nhất, người phụ nữ lại tiếp tục trong nhịp bước quân hành, lao động hăng say; nhiều phụ nữ còn hy sinh sự nghiệp của mình để toàn tâm, toàn ý dành cho gia đình, với mong muốn luôn là hậu phương vững chắc cho chồng công tác, nuôi dạy con cái nên người, góp phần xây dựng đất nước.
Thế nhưng, theo kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam năm 2019 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Tổng cục Thống kê và Quỹ dân số Liên hợp quốc công bố hồi cuối năm 2021 cho thấy: 62,9% phụ nữ Việt Nam trong đời đã từng phải trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần và kinh tế, hay chịu hành vi kiểm soát của chồng... Con số này có thể chưa thể hiện đầy đủ nhiều mặt, nhưng phần nào nói lên những áp lực trong cuộc sống mà người phụ nữ gánh phải.
Hiện nay, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách bảo đảm quyền lợi của người phụ nữ. Tuy nhiên, thực tế diễn ra cho thấy có không ít bất cập cần phải khắc phục. Đơn cử như, việc nuôi dạy con, đây là trách nhiệm chung của người chồng và người vợ, song thực tế áp lực này lại đặt rất lớn lên vai người mẹ, người vợ. Hay không ít doanh nghiệp, lĩnh vực tuyển dụng lao động đòi hỏi chỉ tuyển nam mà không tuyển nữ, hoặc yêu cầu trong thời gian đầu làm việc chưa được kết hôn, hoặc kết hôn thì chưa được phép sinh con...
Như vậy, để phụ nữ được an toàn, được đối xử bình đẳng, được sống đúng với những gì mình mong muốn, cống hiến, đóng góp thì hơn hết phải có sự thay đổi tư duy từ gốc rễ gia đình-những tế bào của xã hội. Vị trí, vai trò của người phụ nữ phải luôn được tôn trọng, tư tưởng, định kiến “trọng nam khinh nữ” phải được xóa bỏ trong nếp nghĩ và đời sống xã hội.
Có lẽ không riêng gì mẹ tôi, mà những bà mẹ nhân hậu khác ở đất nước này dẫu có phải chịu áp lực, vất vả của cuộc sống như nào đi nữa, họ vẫn chịu thương, chịu khó tiếp tục công việc thường ngày, luôn rộng lòng thương con cháu như những tình thương dành cho học trò suốt bao năm qua không hề thay đổi. Họ không mong các con tặng hoa, cũng chẳng cần những món quà đắt tiền, bởi con cháu luôn sống có ích cho xã hội, trách nhiệm với gia đình, vui vẻ, hạnh phúc đã là món quà lớn nhất dành cho mẹ. Thế nên, mỗi khi nghĩ về mẹ, tôi lại rưng rưng một niềm thương cảm và nhớ đến những câu thơ: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/ Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?”.
VŨ MINH DUY