Dẫu còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân; nền kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi và phát triển. Môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính có bước đột phá, cải thiện; xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội được đẩy mạnh. Nhìn tổng thể, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít băn khoăn, lo lắng mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, mong đợi Kỳ họp thứ ba này sớm được tháo gỡ. Đó là công tác xây dựng, ban hành luật còn không ít hạn chế; công tác giám sát và thực hiện trách nhiệm trong giám sát tối cao của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội vẫn chưa được phát huy cao nhất. Không ít dự án luật khi trình đã “vấp” phải sự không đồng thuận, buộc phải rút khỏi chương trình hoặc phải điều chỉnh nhiều lần trong nhiệm kỳ. Tính đồng bộ của hệ thống pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến hiệu quả khi triển khai chưa được như mong muốn.
Ảnh minh họa. Nguồn: quochoi.vn
Những vấn đề tồn tại trên có được tháo gỡ và giải quyết hiệu quả trong kỳ họp này hay vẫn chỉ là "quyết tâm" của nhiệm kỳ đang đặt trên vai các đại biểu Quốc hội, những người đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân. Không ít ý kiến từng cho rằng, hệ thống pháp luật nước ta hiện nay thiếu đồng bộ, nhiều vướng mắc khi triển khai vào cuộc sống là do những chi phối của các loại lợi ích, cùng sự thiếu quyết liệt của những cơ quan, tổ chức, cá nhân khi được giao tham mưu, tổ chức, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, chưa tạo ra những khuôn khổ và môi trường pháp lý tốt nhất để người dân sáng tạo, phát huy năng lực cao nhất của mình đóng góp xây dựng đất nước. Chưa có nhiều đánh giá về những hạn chế, tồn tại, bất cập của các văn bản khi triển khai vào cuộc sống.
Cử tri và nhân dân cả nước mong muốn tại kỳ họp Quốc hội lần này, những tồn tại, bất cập trong xây dựng và ban hành luật sớm được loại bỏ, để khi các dự thảo luật, nghị quyết được thông qua sẽ phát huy cao nhất hiệu quả trong đời sống xã hội. Muốn thế, từng đại biểu Quốc hội phải thể hiện cao nhất trách nhiệm và quyết tâm của mình trong nắm bắt các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đất nước; nguyện vọng chính đáng của từng cử tri và nhân dân để xây dựng và thể hiện vào trong từng điều luật. Trên cơ sở văn kiện Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các nghị quyết của Quốc hội, chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực mình phụ trách để từng đại biểu phát huy trí tuệ, tập trung thảo luận xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, tránh chồng chéo. Chỉ như vậy, luật pháp khi ban hành mới không gây khó và bó buộc cuộc sống, mới giúp cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phát huy được hiệu quả trong cuộc sống, mới giải quyết được các vấn đề “nóng” mà thực tiễn đặt ra trong phát triển đất nước và hội nhập, đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của cử tri và nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
HOÀNG GIA MINH