Câu chuyện nóng hổi ấy được bà con nơi đây lan truyền như một cách thể hiện niềm tin, sự đồng thuận với việc triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Trước đó, các hộ nêu trên nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Không chỉ ở Nghệ An, mà thực tiễn nhiều địa phương đã khẳng định, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Quy định 11 của Bộ Chính trị với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các cấp đã góp phần hạn chế nhiều vụ việc công dân khiếu nại kéo dài, giảm đáng kể các vụ việc khiếu kiện trên địa bàn. Tinh thần bám nắm cơ sở, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lắng nghe, giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân được nâng lên rõ rệt. Nhiều vụ việc được giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, tránh tạo thành "điểm nóng" kéo dài gây bức xúc trong dư luận, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
 |
Ảnh minh họa / Vietnam+ |
Chủ trương đối thoại với nhân dân thể hiện sự khéo léo, linh hoạt trong công tác dân vận, là sự đổi mới phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc của cấp ủy, người đứng đầu, nhằm tạo đồng thuận ý Ðảng lòng dân. Tuy nhiên, việc thực hiện Quy định 11 của Bộ Chính trị ở một số địa phương còn bộc lộ những hạn chế. Nội dung buổi đối thoại của một số người đứng đầu cấp ủy còn nặng về báo cáo đánh giá kết quả tình hình kinh tế-xã hội, không rõ tính đối thoại, chưa gợi mở để người dân tham gia chất vấn về những vấn đề liên quan ở cơ sở và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền. Một số kiến nghị, đề xuất của nhân dân thông qua tiếp xúc, đối thoại chưa được giải quyết dứt điểm, vẫn còn xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương, nhất là ở cơ sở sau tiếp xúc, đối thoại còn chung chung, chưa ghi nhận và giao nhiệm vụ cụ thể giải quyết các vấn đề kiến nghị của nhân dân. Công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại chưa được thực hiện thường xuyên. Đánh giá sự hài lòng của người dân sau đối thoại còn thiếu sự quan tâm đúng mức.
Rõ ràng, đối thoại là giải pháp trực tiếp giải tỏa căng thẳng, bức xúc của người dân. Cái được lớn nhất là đối thoại giúp cho mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ngày càng bền chặt, gần gũi thân thiết, củng cố niềm tin, tạo nên đồng thuận xã hội. Đây còn là cơ hội để cấp ủy, chính quyền các cấp nắm bắt các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn cùng những chính sách, pháp luật không còn phù hợp với đời sống để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; kịp thời tham mưu, điều chỉnh những hạn chế, bất cập, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Để việc tiếp xúc, đối thoại mang lại hiệu quả thì cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu phải thực sự lắng nghe với tinh thần cầu thị, quan tâm chăm lo đến công tác tiếp dân, coi đây là biện pháp quan trọng để nhân dân trực tiếp tham gia vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy dân chủ trong thể chế Nhà nước “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Từ đó có chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, nhất là chính sách cán bộ trực tiếp tiếp công dân và tham mưu công tác tiếp dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ, nắm bắt những bức xúc trong nhân dân và tăng cường giám sát thực hiện đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp...
Ngoài việc lựa chọn đúng và trúng nội dung cần đối thoại, điểm mấu chốt để đánh giá hiệu quả, cũng là thước đo niềm tin của nhân dân với công tác này chính là những kết luận, lời hứa trước dân của người đứng đầu cấp ủy phải được kịp thời thi hành có hiệu quả trong thực tiễn.
ĐÀO HỒNG