QĐND Online-Tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân là một trong những giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác tiếp công dân. Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh nói như vậy sáng 19-9, khi trình bày bản Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ tại Hội nghị Triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị, Luật Tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ.

Hội nghị được tổ chức trong ngày 19-9, theo hình thức trực tuyến với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Cụ thể, để thực hiện tốt chế độ tiếp công dân, xử lý đơn thư, Thanh tra Chính phủ đưa ra giải pháp, thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước cần thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, mỗi tháng phải tổ chức tiếp công dân ít nhất 1 ngày; cần coi trọng và nâng cao trách nhiệm trong tiếp công dân, tăng cường tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân, đổi mới phương pháp tiếp công dân, gắn tiếp dân với kiểm tra, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức cần xử lý đơn thư một cách tập trung, xem xét, thụ lý đơn đúng pháp luật, chuyển đơn, hướng dẫn công dân gửi đơn đến đúng cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, khắc phục tình trạng đơn thư chuyển lòng vòng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Để tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền và các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, thủ trưởng các cơ quan nhà nước cần tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại vượt cấp, bức xúc. Khi có quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo có hiệu lực pháp luật, thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện hoặc chỉ đạo thực hiện ngay, không để kéo dài.

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan hữu quan phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc đông người, vượt cấp.

Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động rà soát, nắm tình hình, kịp thời phát hiện và có giải pháp ngăn chặn các trường hợp khiếu kiện đông người, vượt cấp ngay tại cơ sở, ngay tại mỗi địa phương, đơn vị, hạn chế tối đa việc công dân tập hợp đông người kéo lên Trung ương khiếu kiện.

Khi có công dân khiếu kiện vượt cấp, UBND cấp tỉnh phải phân công cán bộ chủ trì, cùng các cơ quan chức năng liên quan trực tiếp vận động, thuyết phục công dân, đưa công dân trở về địa phương giải quyết; đồng thời phải có kế hoạch chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, kịp thời, dứt điểm, không để kéo dài, không để tiếp tục khiếu kiện vượt cấp.

Với các trường hợp tổ chức kích động, lôi kéo công dân khiếu kiện đông người hoặc lợi dụng khiếu kiện để gây rối, UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo lực lượng công an có biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Theo tổng kết bước đầu của Thanh tra Chính phủ, tính đến nay, tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm so với năm 2013 cả về số lượt công dân lẫn về số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, số lượt đoàn đông người tiếp tục tăng so với năm 2013 là 12,1%, 12/63 địa phương có số lượng khiếu nại, tố cáo tăng cao.

CHIẾN THẮNG