Đó là những gì nhà sản xuất mang đến cho khán giả trước khi phim ra rạp. Số tiền đầu tư cho sản xuất phim cũng được quảng bá lên đến mấy chục tỷ đồng.

Nhưng tất cả cũng chỉ có thế!

Chỉ sau vài suất công chiếu, khán giả đã cảm thấy ngán ngẩm. Chất lượng phim quá tệ, hoàn toàn không tương xứng với kỳ vọng của khán giả, khác một trời một vực so với chiến dịch truyền thông quảng bá trước đó.

Sau cảm giác thất vọng là sự hẫng hụt của niềm tin!

"Nàng thơ Dao Ánh" trong phim "Em và Trịnh". Ảnh minh họa / sggp.org.v 

Sau một thời gian dài im ắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường giải trí đã sôi động trở lại với sự ra mắt của nhiều dự án nghệ thuật, đáng chú ý là lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, ca nhạc... Bên cạnh những tác phẩm được công chúng đánh giá cao cả về giá trị nội dung và nghệ thuật là không ít sản phẩm quảng bá một đằng, chất lượng một nẻo. Đằng sau sự hào nhoáng của những thước phim, khuôn hình hậu trường và những thông tin đời tư gây tò mò cho khán giả, món ăn tinh thần nhà sản xuất mang đến cho công chúng chả khác gì một bát cơm có nhiều sạn.

Có thể kể đến những bộ phim dạng này như: “Kẻ thứ ba”, “578: Phát đạn của kẻ điên”, “Mến gái miền Tây”... Trước đó, những bộ phim bị coi là “thảm họa”, “bom xịt” của điện ảnh Việt, cũng có chiến dịch quảng bá rất rầm rộ như: “Kiều”, “Cậu Vàng”, “Kiều @”, vv...

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, quảng bá là một phần tất yếu của lao động nghệ thuật. Sản phẩm nghệ thuật muốn đến được với số đông công chúng, tất yếu phải có chiến dịch, chiến lược truyền thông quảng bá bài bản, hấp dẫn. Quảng bá, vì thế không đơn thuần là công việc mà nó còn là nghệ thuật. Quảng bá thế nào để kích thích được nhu cầu của công chúng, không chỉ là nghệ thuật mà còn là một khoa học, gọi là khoa học quảng bá, nghệ thuật quảng bá.

Trong hành trình lao động, sáng tạo và giới thiệu sản phẩm, công trình nghệ thuật, quảng bá là một ngành có tính độc lập tương đối. Nó giữ vai trò là người mở lối, dẫn dắt, định hướng dư luận thẩm mỹ, mục đích cuối cùng là để công chúng đón nhận sản phẩm nghệ thuật càng nhiều càng tốt. Lâu nay, công nghệ giải trí của chúng ta vẫn bị cho là yếu ở khâu quảng bá, nhất là ở các đơn vị nghệ thuật công lập. Ở lĩnh vực xã hội hóa, một số đơn vị truyền thông đã thành công với những mô hình, chiến lược quảng bá, giúp nhà sản xuất thu lợi lớn. Chỉ riêng ở nghệ thuật thứ bảy, có những bộ phim đạt kỷ lục phòng vé lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Trong thị trường giải trí, sáng tạo và quảng bá là mối quan hệ tương sinh, cộng hưởng, hai bên cùng có lợi.

Chúng ta đang hướng đến mục tiêu xây dựng lĩnh vực văn hóa, giải trí thành một ngành công nghiệp. Đó là xu hướng tất yếu trong môi trường hội nhập, nhằm đưa các sản phẩm nghệ thuật Việt Nam hội nhập, đủ khả năng cạnh tranh với thị trường quốc tế. Muốn thế thì phải hình thành môi trường chuyên nghiệp ngay từ các nhà sản xuất, ngay từ lao động chuyên môn của nghệ sĩ và ngay từ công nghệ quảng bá. Sự dẫn dắt của nghệ thuật quảng bá giống như người đầu bếp mời thực khách nếm thử món ăn trước khi đặt tiệc. Thức nào thì tiệc ấy. Tuyệt đối không được “treo đầu dê bán thịt chó”. Sử dụng tiểu xảo, chiêu trò để giật gân, câu khách, kích thích trí tò mò của một bộ phận công chúng để “dụ” khán giả mua vé hoàn toàn không phải và không thể là lựa chọn khôn ngoan.

Nghệ thuật là làm cho đời thực đẹp lên!

Giá trị nghệ thuật là làm cho chất liệu cuộc sống thăng hoa theo cái đẹp!

Và nền tảng cũng như đích đến của nó là tạo dựng niềm tin. Công chúng tin vào cái đẹp, tin vào cái hay, tin vào nghệ thuật quảng bá!

Muốn có một ngành công nghiệp giải trí đúng nghĩa thì phải “công nghiệp” ngay từ mỗi sản phẩm, mỗi loại hình nghệ thuật cụ thể!

Quảng bá mà đi ngược lại niềm tin thì nghệ thuật sẽ chết yểu!

PHAN TÙNG SƠN