Thực tế hiện nay, không chỉ ở nước ta mà trên khắp thế giới, với mật độ giao thông đông đúc nên chỉ có thể hạn chế chứ không thể ngăn chặn được tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông xảy ra có nhiều nguyên nhân, thường do chủ quan (không chấp hành luật lệ an toàn an toàn giao thông, chạy quá tốc độ, lấn đường, điều khiển phương tiện khi nồng độ cồn quá mức cho phép...) và cũng có thể do hoàn cảnh khách quan (đường nhỏ, hẹp, thời tiết xấu...). Nhưng dù nguyên nhân là gì thì hành vi lái xe bỏ chạy, bỏ mặc nạn nhân của những người cầm lái là không thể chấp nhận, và ngoài xử phạt theo luật, "tòa án lương tâm" không cho phép họ tiếp tục ngồi sau vô lăng.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn |
Chúng ta đều biết, khi tham gia giao thông nếu không may xảy ra tai nạn, lái xe phải dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, nhanh chóng cấp cứu người bị nạn... Việc lái xe bỏ chạy không những vi phạm pháp luật, trốn tránh trách nhiệm mà còn gây mất trật tự an toàn xã hội và gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông trên cùng tuyến đường. Những trường hợp này cần có khung hình phạt nặng hơn để răn đe.
Thiết nghĩ, với mật độ giao thông cao, tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp như hiện nay, việc trau dồi kinh nghiệm, rèn luyện đạo đức, nhân cách cho người lái xe nhằm bảo đảm an toàn giao thông là rất cần thiết. Mỗi người khi cầm lái cần xác định rõ lẽ sống, luôn hướng thiện và đó cũng là tiền đề để phân biệt rõ tốt-xấu, thiện-ác trong hành xử, nhằm bảo đảm an toàn cho người đi đường và cho chính bản thân mình.
Bên cạnh đó, việc giáo dục và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông cũng phải được thực hiện thường xuyên, hiệu quả hơn nữa trong từng trường học, trong từng khu phố, làng, xóm, thôn, bản để nâng cao hiểu biết, ý thức trong chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ khi tham gia giao thông. Được như vậy chúng ta mới có thể hy vọng hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn thương tâm xảy ra khi tham gia giao thông.
ĐỖ KIM ANH