Cuối tháng 8 vừa qua, cũng có một số ý kiến đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành lập doanh nghiệp trực thuộc có chức năng kinh doanh bất động sản để thực hiện các dự án nhà ở xã hội cho công nhân. Điều này thể hiện xu hướng tư duy rằng Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội cần phải tham gia trực tiếp vào việc xây dựng nhà ở xã hội.

Có thể thấy, với cơ chế hiện nay là Nhà nước khuyến khích tư nhân đầu tư nhà ở xã hội và dành các ưu đãi để hạ giá thành, đồng thời Nhà nước ban hành hàng loạt quy định để kiểm soát giao dịch đã cho thấy tính kém hiệu quả, không khả thi và khó có thể đạt được mục tiêu đề ra. Hiện nay, nguồn cung nhà ở xã hội vẫn nhỏ hơn cầu rất nhiều lần.

Dự án nhà ở xã hội Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức. Ảnh:TTXVN 

Bởi lẽ, luôn luôn tồn tại sự đối lập về mục tiêu lợi ích giữa Nhà nước (người hoạch định chính sách) và các doanh nghiệp bất động sản (người thực thi chính sách). Các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không phải vì lợi ích của những người có nhu cầu mà hướng đến mục tiêu cao nhất là lợi nhuận của chính họ. Việc kinh doanh nhà ở xã hội bị hạn chế về khách hàng, không chế về giá bán, định mức lợi nhuận... dẫn đến đầu tư không hiệu quả. Tư nhân hướng đến mục đích lợi nhuận nên họ thường không muốn đầu tư vào nhà ở xã hội mà chỉ thích đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để bán thu hồi vốn nhanh và không bị nhiều ràng buộc.

Hiện nay, những người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội cũng khó có thể mua vì không đủ khả năng để vay và trả nợ ngân hàng. Ngược lại, những người đủ khả năng vay và trả nợ ngân hàng thì không đủ điều kiện để được mua. Đây chính là nghịch lý của chính sách nhà ở xã hội và không đúng với bản chất của nhà ở xã hội là nhà ở cho người thu nhập thấp.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu xem chính sách nhà ở xã hội mang tính chất hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế trong xã hội thì Nhà nước phải trực tiếp vào cuộc hơn nữa. “An cư lạc nghiệp”, thực hiện tốt chính sách về nhà ở xã hội sẽ tạo ra một xã hội an toàn, ổn định và người dân yên tâm lao động sản xuất. Do đó, thay vì ưu đãi để khuyến khích tư nhân đầu tư, Nhà nước nên trực tiếp đầu tư nhà ở xã hội, tạo ra chính sách thích hợp về đất đai để hạ giá thành xây dựng nhà ở xã hội và có những khoản hỗ trợ trực tiếp dành cho các đối tượng yếu thế. Nên có quỹ vốn phát triển nhà ở xã hội, trong đó vốn đầu tư công giữ vai trò dẫn dắt. Giải ngân được vốn để phát triển nhà ở xã hội cũng là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra việc làm. Nhà nước cần lập ra một cơ quan quản lý nhà ở xã hội để quản lý tập trung, thống nhất từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch, bố trí quỹ đất, tổ chức thực hiện các dự án nhà ở xã hội, cũng như quá trình phân phối và quản lý vận hành sau khi hoàn thành dự án.

Thực tế cho thấy, đa số các nước đều xây nhà ở xã hội để cho thuê. Ở Việt Nam, phần lớn người lao động có thu nhập thấp chỉ có khả năng để thuê nhà. Vì vậy, Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê hoặc thuê mua là phù hợp với tình hình hiện nay.

MINH NGỌC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.