Ảnh minh họa: internet

QĐND - Theo sáng kiến của Sở Khoa học và Công nghệ được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt, bắt đầu từ tháng 6 này, một số cây xăng trên địa bàn thành phố được chọn triển khai thí điểm việc bán xăng kèm hóa đơn. Người tiêu dùng sau khi thanh toán được nhận một tờ hóa đơn ghi rõ thời gian, địa điểm, tên đại lý bán hàng, khối lượng xăng, dầu. Tờ hóa đơn này là căn cứ pháp lý để cơ quan chức năng xử lý các hành vi gian lận, bán xăng kém chất lượng khi có khiếu kiện, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia, cán bộ chức năng TP Hồ Chí Minh hy vọng, sáng kiến này sẽ có tác dụng hữu hiệu trong việc nỗ lực siết chặt công tác quản lý, lành mạnh hóa thị trường kinh doanh xăng, dầu. Sau khi triển khai thí điểm 3 tháng, thành phố sẽ sơ kết rút kinh nghiệm, nhân rộng trong toàn bộ hệ thống cây xăng bán lẻ của thành phố.

Trong lộ trình nỗ lực tìm giải pháp siết chặt công tác quản lý, lành mạnh hóa thị trường kinh doanh xăng, dầu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng..., sáng kiến của TP Hồ Chí Minh là rất đáng trân trọng và cần được sự hưởng ứng, ủng hộ của chủ các đại lý kinh doanh xăng, dầu và đặc biệt là người tiêu dùng.

Tuy nhiên, do chưa nhận thức rõ ý nghĩa của tờ hóa đơn, ý nghĩa của cách làm này nên nhiều người thờ ơ, sẵn sàng vứt bỏ tờ hóa đơn sau khi mua hàng. Làm như vậy, vô tình người tiêu dùng đã gián tiếp thỏa hiệp, làm ngơ trước những hành vi gian lận, đánh mất quyền lợi, nghĩa vụ tự bảo vệ mình; đồng thời không trợ giúp cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng phải nói rằng việc bán xăng kèm hóa đơn là một sáng kiến, một chủ trương có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, nhưng cho đến nay, nhiều người tiêu dùng vẫn không biết đến chủ trương này và ý nghĩa của nó. Bằng chứng là khi được hỏi vì sao lại vứt hóa đơn hoặc không nhận hóa đơn thì họ đều nói rằng không biết hóa đơn này có tác dụng gì.

Rõ ràng, để một chủ trương có hiệu quả thực sự khi đi vào cuộc sống, điều kiện tiên quyết là phải có sự ủng hộ, sự hưởng ứng và thực thi của đại đa số người dân. Muốn vậy, công tác tuyên truyền phải được các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện đồng bộ, thường xuyên, đa dạng. Về phía người tiêu dùng, cần nhận thức rõ đây là hình thức nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình, từ đó có thái độ, trách nhiệm đúng mực với những tờ hóa đơn. Cách ứng xử đúng với những tờ hóa đơn ấy chính là cách để tự bảo vệ mình – việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa không nhỏ.

PHAN TÙNG SƠN