Những câu hỏi mà Thủ tướng hay đặt ra với lãnh đạo các địa phương là: Có thể đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng hay không? Giải pháp nào, quyết tâm như thế nào để đạt và vượt kế hoạch?
Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay là điều rất khó khăn. Bởi, tăng trưởng quý I chỉ đạt 5,15%. Vì thế dù tăng trưởng quý II là 6,17%, thì 6 tháng đầu năm mới đạt 5,73%. Do đó chỉ số tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt 7,42% thì mới đạt mục tiêu cả năm. Như thế, nền kinh tế cần phải có những giải pháp tổng thể mang tính thông thoáng hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa và tận dụng các dư địa tăng trưởng. Tại phiên họp, cũng có nhiều ý kiến lo ngại, nếu như chúng ta quá "mải mê theo đuổi" chỉ tiêu tăng trưởng thì có thể sẽ kéo theo những hệ lụy giống như thời gian trước: Lạm phát cao, hiệu quả thấp, nợ xấu tăng... và trong đó có cả những hệ lụy mang tính dài hạn khi chúng ta cần phải đẩy mạnh khai thác tài nguyên.
Ảnh minh họa theo internet
Tuy nhiên, ngay trong phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Chúng ta không tăng trưởng bằng mọi giá, mà tăng trưởng phải gắn liền với tính bền vững, gắn với thế mạnh của Việt Nam”. Đây là một định hướng đầy đúng đắn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% có quan trọng không? Cực kỳ quan trọng. Bởi chỉ tiêu ấy quyết định toàn bộ những vấn đề về nguồn lực quốc gia, việc làm, đời sống nhân dân, an sinh xã hội... Đạt được chỉ tiêu tăng trưởng ấy sẽ là tiền đề cho những năm sau và tạo nền tảng vững chắc để đạt mục tiêu tăng trưởng của cả giai đoạn 2016-2020. Thế nhưng, nếu chúng ta chỉ vì mục tiêu ngắn hạn mà thực hiện bằng mọi giá thì có thể sẽ có những ảnh hưởng dài hạn.
6 tháng qua, khi mà việc khai thác các tài nguyên, như: Dầu khí, than đá... đã tới ngưỡng, không dễ để tăng thêm, cũng không thuận lợi về giá cho việc đẩy mạnh khai thác thì nền kinh tế nước ta vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khá nhờ các nguồn lực từ xã hội. Đó là hoạt động của doanh nghiệp; đó là nhờ tài sản và trí tuệ của toàn xã hội. Đây là minh chứng đầy thuyết phục rằng nếu tạo ra được những điều kiện thuận lợi thì dư địa tăng trưởng từ hoạt động của các doanh nghiệp và người dân còn rất lớn. Hiện nay, chúng ta có khoảng 600.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân và cổ phần, đóng góp khoảng 40% GDP. Thế nhưng mới chỉ 1/3 trong số này đóng góp được cho ngân sách, nghĩa là cũng mới chỉ 1/3 có lãi. Như thế, rất cần những chính sách, cần môi trường thuận lợi hơn để nâng số doanh nghiệp có lãi lên cao hơn.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt để kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt. Mức đóng thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Việt Nam được đánh giá vào loại thấp của khu vực; thế nhưng, người dân và doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là vướng mắc từ cơ sở. Vì vậy, môi trường kinh doanh muốn tốt hay không thì cấp cơ sở đang giữ vai trò chính.
Vừa qua, một số địa phương đã đẩy mạnh đối thoại với doanh nghiệp, nhằm tìm ra những điểm vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và chỉ đạo phải đẩy mạnh hoạt động này. Có đối thoại thì mới thấu hiểu, cán bộ phải xuống cơ sở thì mới hiểu vấn đề, mới tránh được quan liêu, cửa quyền, xa thực tiễn.
Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi chính là nền tảng vững chắc nhất cho phát triển.
QUANG PHƯƠNG