Thế nhưng, trong một năm điều kiện khách quan khó khăn như thế, nền kinh tế của Việt Nam vẫn tăng trưởng khá. Cụ thể là GDP tăng 6,21%, đã xấp xỉ con số dự báo 6,3-6,5%, cao hơn mức trung bình 5,5% của các nước đang phát triển ở châu Á, và cao hơn mức tăng trưởng 4,5% của khu vực Đông Nam Á. Lạm phát được giữ ở mức 4,74%, vượt chỉ tiêu mà Quốc hội giao là giữ ở mức 5%. Lần đầu tiên, trong một năm Việt Nam đã có thêm tới hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 891.000 tỷ đồng, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và 48,1% về vốn. Có gần 27.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động. Thu hút đầu tư nước ngoài vào nước ta cao nhất trong những năm qua, vốn FDI thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% trong lúc vốn đầu tư toàn cầu giảm khoảng 15%. Lần đầu tiên, nước ta đón tới hơn 10 triệu lượt khách quốc tế trong một năm...
Những con số nói trên là một minh chứng rõ ràng về phẩm chất vượt khó của đất nước ta, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, dưới sự điều hành trực tiếp của Chính phủ, với sự nỗ lực của các ban, bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước.
Những con số ấy cũng là kết quả của gần một năm Chính phủ thực hiện quyết liệt việc xây dựng Chính phủ “liêm chính, kiến tạo, hành động”. Thông điệp, tinh thần và cách thức xử lý các công việc trách nhiệm, tận tụy của Chính phủ trong thời gian qua đã làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tính liêm chính được thể hiện đậm nét qua rất nhiều việc làm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ví dụ như: Việc tiết kiệm chi thường xuyên; quy định số lượng xe đi công tác cùng Thủ tướng xuống các địa phương để bảo đảm đơn giản, gọn nhẹ; nghiêm cấm lãnh đạo các địa phương về Hà Nội biếu xén, quà cáp đối với Chính phủ và các bộ ngay trong dịp Tết này... Tính kiến tạo được thể hiện qua những việc như: Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp quốc gia; yêu cầu các bộ, ngành tổng rà soát các quy định để gỡ bỏ các rào cản đối với sự phát triển, kể cả những vướng mắc từ thể chế cũng sẽ được tìm cách tháo gỡ... Tính hành động được thể hiện bằng mật độ dày đặc các chuyến công tác, các cuộc làm việc với các địa phương của Thủ tướng, các phó thủ tướng, các thành viên Chính phủ. Nhờ nhiều giải pháp, trong đó trực tiếp là việc thành lập tổ công tác của Thủ tướng để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương mà năm qua, kỷ cương hành chính đã được tăng cường. Số nhiệm vụ quá hạn là 182, chỉ chiếm 1,78% trên tổng số 10.205 nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương. Việc này đã khắc phục những biểu hiện trì trệ “trên bảo dưới không nghe”, “trên nói dưới không chuyển động” của bộ máy hành chính.
Tiềm năng phát triển của nước ta là rất lớn, nhưng thách thức đối với nước ta trong thời gian tới cũng rất nhiều. Trong lúc đất nước ta đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì nhiều nước trong khu vực cũng đang đẩy mạnh cải cách, tạo ra một cuộc đua về sức hút quốc gia. Môi trường kinh doanh của Việt Nam dù đã được cải thiện rất nhiều, tăng 9 bậc so với năm 2015, nhưng vẫn xếp thứ 82/190 thị trường. Ngay trong khu vực ASEAN, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn cách chuẩn của ASEAN 4 (những nước thuộc tốp đầu ASEAN) một khoảng cách khá xa. Doanh nghiệp và người dân Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với những bất cập từ cách thức giải quyết công việc của hệ thống hành chính. Nếu không tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đổi mới thì đất nước ta sẽ mất sức hút, các dòng vốn sẽ đổ sang các nước khác, và nền kinh tế Việt Nam sẽ khó bứt phá.
Nhận biết rõ những thách thức đó, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp đột phá trong thời gian tới, theo hướng tiếp tục tăng cường kỷ cương, tăng cường tính đổi mới, sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho một nền kinh tế khởi nghiệp. Những kết quả của năm 2016 là nền tảng, đã tạo ra một niềm tin rằng với chủ trương, chính sách đúng đắn, với sự nỗ lực hành động của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, nền kinh tế Việt Nam sẽ được khai thác tối đa tiềm năng, sẽ tăng tốc phát triển trong thời gian tới.
HỒ QUANG PHƯƠNG