Từ công tác tuyển sinh những năm qua, nhất là năm 2024, nhiều ý kiến nhận định việc có quá nhiều phương thức xét tuyển đại học khiến thí sinh bị rối, bị áp lực và dường như có sự không công bằng giữa một số phương thức xét tuyển. Vấn đề này đã được đề cập tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vừa qua.
Kỳ tuyển sinh đại học năm 2024 có khoảng 20 phương thức xét tuyển. Ngoài những phương thức phổ biến như: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả học tập qua học bạ; xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy thì còn nhiều phương thức khác như: Xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo; thi văn hóa do cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển; kết hợp chứng chỉ quốc tế với các tiêu chí khác; kết hợp phỏng vấn với những phương thức khác...
Việc có nhiều phương thức xét tuyển được lý giải để thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn, nhằm chọn được những thí sinh tốt nhất và phù hợp với việc tự chủ của các trường... Tuy vậy, ở mặt ngược lại, quá nhiều phương thức xét tuyển khiến học sinh bị nhiễu thông tin, không biết lựa chọn theo cách nào, có những phương thức khó hiểu, nhất là công thức tính điểm, trong khi xuất hiện nhiều tổ hợp xét tuyển mới dẫn đến tình trạng lựa chọn nhầm phương thức xét tuyển. Một số chuyên gia cũng cho rằng, quá nhiều phương thức xét tuyển có thể gây mất công bằng về cơ hội của các thí sinh.
Những năm gần đây, việc có quá nhiều phương thức xét tuyển khiến số thí sinh còn lại chọn phương thức phổ biến là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm trúng tuyển bị đẩy lên rất cao do lượng chỉ tiêu đã bị phân bổ nhiều ở các phương thức xét tuyển khác. Điều này là bất lợi với học sinh ở vùng sâu, vùng xa, nơi ít có điều kiện lựa chọn các phương thức xét tuyển khác. Đơn cử như phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế với tiêu chí khác, hay kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế, các em ở vùng sâu, vùng xa khó có điều kiện có được những chứng chỉ quốc tế. Hay phương thức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, các em ở vùng cao chưa được tiếp cận nhiều.
Cùng với đó, phương thức xét tuyển sớm được xem là chưa công bằng bởi diễn ra trước khi kết thúc năm học vài tháng. Điều này khiến các em trúng tuyển sớm không chú tâm học tập học kỳ cuối, trong khi những em khác vẫn phải cố gắng học. Chương trình phổ thông phải bảo đảm công bằng cả về nội dung chương trình, thời gian học tập, đánh giá kết quả.
Mặc dù tôn trọng và trao quyền chủ động cho cơ sở giáo dục thực hiện tuyển sinh nhưng trước những bất cập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khuyến cáo cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức chưa phù hợp với tinh thần, các phương thức xét tuyển càng đơn giản càng tốt để tạo thuận cho học sinh và xã hội.
Để tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh đại học, giảm áp lực cho thí sinh, thuận tiện cho học sinh và xã hội, rất cần chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và hành động vì lợi ích cao nhất của học sinh từ các cơ sở đào tạo.
NGUYỄN HÀ MY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.