“Đất lành chim đậu”-tôi nói vui với bà con làng mình. Ờ thì cái làng thuần nông nghèo rớt bỗng chốc thành phố, những gia đình có nhà cho thuê chợt có thêm hẳn 5-10 triệu đồng mỗi tháng. Thế là khấm khá hẳn lên rồi. Nhưng còn những người công nhân ở trọ kia họ sống ra sao, hòa nhập thế nào với cộng đồng dân cư nơi đất khách quê người? Và ngược lại người dân nơi dở phố dở làng quê tôi có chung sống hòa đồng với họ, có vì sự có mặt của họ mà thay đổi nếp làng, có bị họ làm phiền phức, nảy sinh lắm chuyện?
Những năm tháng qua đi, hóa ra yên ổn cả. Bắt đầu từ những căn phòng cho thuê, đều có chỗ đun nấu, vệ sinh riêng, giá cả rất phải chăng cho 3-4 người ở chỉ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Nghĩa là mỗi công nhân chỉ phải bỏ ra 250.000-300.000 đồng/tháng. Với số lương 4-5 triệu đồng/tháng, số tiền thuê trọ như vậy là chịu được. Tiếp đến là có điện, nước, có hàng quán, có thực phẩm tươi sống bán ngay tại nhà dân… Đặc biệt là trật tự an ninh, cán bộ công an xã, thôn thường xuyên thăm hỏi, nhắc nhở. Các gia đình chủ nhà thân thiện, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chính đáng của người ở trọ. Những ngày tôi về quê vì nhà nọ nhà kia “có việc”, lại gặp cả những công nhân có mặt cùng dự. Có đám trẻ trong làng cùng người quê xa tụ họp ca hát…
Vậy là ở quê tôi cũng như bao làng, bao khu dân cư tôi đã qua trong Nam ngoài Bắc, cuộc sống cộng cư của người sở tại và khách trọ đều cơ bản diễn ra êm ấm, dễ chịu. Công nhân, người lao động từ làng mà ra lại ở với dân làng, với những cư dân nơi mới đến dù đã là người phố nhưng nếp sống, phong tục tập quán gần gũi nên không có sự va đập hay xung đột văn hóa. Người dân sở tại, người cho thuê nhà coi những lao động, công nhân trẻ gần như con cháu mình. Họ chỉ bảo, nhắc nhở nếp ăn nếp ở cho anh em như lẽ cưu mang thường tình, tự nhiên. Và giản dị là cho nhau mớ rau, con cá, đỡ đần công việc vặt, hỏi han khi ốm đau…
Nhưng rồi sự yên ổn như thế này liệu ngày nào đó có thể bị nứt vỡ? Không phải đã có những nơi từng xảy ra mất đoàn kết giữa người tạm cư, tạm trú với người địa phương. Không phải đã có những chuyện thanh niên đôi bên đánh nhau vì tranh bạn gái. Rồi chuyện không sòng phẳng tiền nong, nợ nần, cắm quán. Và nữa, nhiều điều sinh sự từ bia, rượu, hút xách, trộm cắp…
May mắn người quê tôi học được và làm theo những kinh nghiệm từ các làng, phố cho thuê trọ khác nên có cách, có nếp ngay từ đầu. Đó là chuyện đăng ký và kiểm tra hộ khẩu tạm trú nghiêm cách, là làm hợp đồng đúng quy định, thực hiện những giao ước rõ ràng, sòng phẳng. Là phát hiện, thông báo kịp thời về những dấu hiệu không lành phát sinh. Và trên hết, là động viên, khơi dậy tấm lòng người dân quê nâng đỡ, giúp đỡ người lao động xa quê.
Trong hoàn cảnh quá thiếu chỗ ở cho người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay, việc ở trọ và cho thuê trọ ở các khu dân cư xung quanh là tất yếu và tự nhiên. Nếu chính quyền, các đoàn thể tại địa phương biết chủ động kiểm soát những hoạt động này sẽ tạo nên cơ sở thuận lợi, thuận hòa bảo đảm cho đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Và sẽ là tốt hơn nữa nếu có sự tham gia tận tình, sâu sát của các tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ từ các công ty, doanh nghiệp thuê lao động.
NGUYỄN MẠNH