QĐND - Nhiều người trẻ tuổi “lạc lối”, trở thành tội phạm là thực trạng rất đáng báo động trong mấy năm gần đây. Không chỉ gây ra nhiều vụ trọng án dã man, kinh hoàng, nhiều người trong giới trẻ có những hành động ngông cuồng, coi thường đạo đức, pháp luật, văn hóa truyền thống… thật sự làm xã hội lo ngại.
 |
Ảnh minh họa/Internet
|
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi trả lời chất vấn về tình hình tội phạm ngày càng tăng và trẻ hóa, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết: Một trong những nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên là do sự buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình. Vì thế, tăng cường sự quản lý, giáo dục của gia đình là biện pháp đầu tiên, cần thiết nhất để hạn chế tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội.
“Lớp trẻ hư do người lớn chưa tu thân, tề gia” – ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc khiến chúng ta càng ngẫm càng thấy đúng. Thực tế cho thấy, phần lớn thanh, thiếu niên phạm tội và ăn chơi trác táng bị phát hiện trong thời gian qua đều sinh ra trong những gia đình mà phụ huynh ít quan tâm quản lý, giáo dục con, hoặc chưa thực sự nêu gương về đạo đức, lối sống. Không ít bậc cha mẹ đã xem nhẹ việc “tề gia”, quá mê mải mưu sinh, kiếm tiền, tìm cơ hội thăng tiến, các con cần tiền thì cho nhưng không hề lo quản lý, giáo dục con. Nhiều cha, mẹ mải đi tiếp khách, ngoại giao, vào nhà hàng nhậu nhẹt… lúc về nhà thì đã say mèm, mệt mỏi, con nói dối, bỏ đi chơi, tham gia các tệ nạn xã hội, “bay, lắc” thâu đêm… chẳng biết! Đặc biệt, rất đáng trách khá nhiều phụ huynh không chỉ quên việc “tề gia” mà chính mình còn chẳng chịu “tu thân”, vẫn ăn chơi, bồ bịch, rượu chè bê tha và cờ bạc, tham nhũng... Những thói hư tật xấu của cha mẹ có tác động rất lớn tới tình cảm và suy nghĩ của con trẻ, khiến trẻ mất chỗ dựa tinh thần, dẫn tới hư hỏng.
Ai cũng biết gia đình là tế bào của xã hội. Xã hội có phát triển lành mạnh hay không trước hết phụ thuộc vào mỗi gia đình. Khi gia đình không còn là tổ ấm, các con không tôn trọng bố mẹ và người thân thì chúng đâu cần đến tương lai. Nhất là khi cha mẹ chỉ quan tâm đáp ứng mọi đòi hỏi vật chất cho con không giới hạn, đồng nghĩa với việc đưa con vào con đường hư hỏng, tội phạm.
Tổ ấm gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách tuổi trẻ. Nhiều gia đình không giàu có, nhưng bố mẹ gương mẫu, là niềm tự hào, là tấm gương sáng thì con cái vẫn có chí hướng tu thân. Đại đa số cán bộ quân đội tuy phải công tác xa nhà nhưng luôn quan tâm “tu thân, tề gia” và có cách dạy con “từ xa” rất hiệu quả. Những cơ quan, khu phố, làng quân nhân… chưa giàu sang nhưng yên vui, ấm áp, con cái cơ bản thành đạt cả trong nước và nước ngoài. Điều đó cho thấy, nếu các bậc phụ huynh luôn thực sự “tu thân” để con cái có chỗ dựa tinh thần và quan tâm “tề gia” thì gia đình sẽ tạo được nền nếp, kỷ cương và hạnh phúc. Đó chính là đáp án cơ bản của “bài toán” giảm tội phạm tuổi thanh, thiếu niên hiện nay và các bậc phụ huynh chính là người giữ vai trò quyết định giải “bài toán” này.
Cát Huy Quang