Đã biết bao năm rồi vẫn lặp lại một điệp khúc cũ. Chỗ ngập lụt nhiều năm trước thì nay tiếp tục ngập. Chỗ ngập trong đợt mưa trước thì đợt mưa này lại ngập nhiều hơn. Có nơi, tình trạng ngập lụt kéo dài nhiều ngày làm ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trầm trọng... Và thật sự khi có mưa, khi nước ngập vào từng thềm nhà, ngõ phố thì rõ ràng là người dân phải trực tiếp chịu nhiều hệ lụy.
Có người lý giải rằng, mưa to quá nên ngập lụt là “chuyện thường tình”. Có ý kiến lại bảo, do cơ sở hạ tầng đã quá cũ, do tư duy quy hoạch lạc hậu, do hệ thống thoát nước thiếu đồng bộ và xuống cấp... Nói thế cũng đúng. Tuy nhiên, sự tiến triển trong công tác khắc phục còn rất hạn chế.
 |
Đoạn đường Đinh Lễ hướng ra đường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) ngập sau cơn mưa lớn. Ảnh: TTXVN |
Có người hỏi: Hệ thống thoát nước của thành phố ra sao mà chỉ sau một, hai giờ, thậm chí là vài chục phút trời đổ mưa thì phố phường đã biến thành sông? Lại có người băn khoăn, thôi thì nơi trũng, vùng thấp ngập nước đã đành, những tuyến đường cũ với hệ thống thoát nước cũ biến thành sông vẫn còn một vài lý do để viện dẫn... Thế nhưng vì sao ngay cả những tuyến phố mới, những khu đô thị mới, hiện đại, những con đường mới toanh, hệ thống thoát nước mới... cũng chìm nghỉm trong nước sau mưa? Điều này cho thấy, việc ngập lụt không hẳn tại trời mà còn do con người, trong đó nguyên nhân khởi phát là sự hạn chế, chắp vá từ quy hoạch cho đến tổ chức thi công hệ thống thoát nước của các thành phố, khu đô thị.
Một thành phố hiện đại, văn minh, đáng sống thì không thể cứ mưa là ngập. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần nghiêm túc nhìn nhận thực trạng ngập lụt ở các thành phố, không thể để điệp khúc mưa-ngập tái diễn kéo dài. Trước mắt, ngoài duy trì chống ngập theo phương pháp tự chảy, cơ quan chức năng cần chú trọng xây dựng hệ thống trạm bơm thoát nước ven các dòng sông, hồ lớn để rút quãng đường tập trung nước, tạo thành nhiều điểm cuối thoát nước tiêu úng nhanh hơn. Về lâu dài, cần đánh giá lại hiện trạng của hệ thống tiêu thoát nước ở các thành phố; đưa ra các giải pháp tổng thể và những việc cần làm, rồi cụ thể bằng quy hoạch, đề án, dự án... Trong tương lai, hiện thực đô thị hóa nông thôn là tất yếu, vì thế, đối với những khu vực đô thị mới, việc quy hoạch hạ tầng về giao thông, thoát nước... phải đi trước một bước, đón đầu nhu cầu phát triển, với tầm nhìn hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm.
Đã đến lúc phải xây dựng các giải pháp khoa học, đồng bộ, khả thi với tinh thần thật sự nghiêm túc, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân của người đứng đầu, hoặc cơ quan chức năng của các thành phố, địa phương. Trách nhiệm của người đứng đầu hoặc lời hứa của họ phải biến thành việc làm cụ thể hằng ngày, hằng giờ của các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thì mới hy vọng chấm dứt được hiện tượng cứ mưa là ngập trong các thành phố.
NGUYỄN TẤN TUÂN