Trong giai đoạn chạy thử nghiệm, 29 xe buýt nhanh được đưa vào vận hành với tần suất hoạt động từ 3-5 phút/chuyến, tốc độ vận hành trung bình 22-30 km/h, thời gian vận hành một lượt từ 45-55 phút.

Sở dĩ người dân quan tâm tới loại hình vận chuyển hành khách này bởi ưu điểm vượt trội của nó là cung cấp dịch vụ vận tải nhanh và hiệu quả hơn so với xe buýt thông thường. Tăng hiệu suất vận chuyển và giảm thời gian đi lại cho hành khách là điều mọi người dân mong đợi. Theo các chuyên gia, với các ưu điểm về kinh tế, tính bền vững và linh hoạt, hệ thống xe buýt nhanh được đánh giá là một giải pháp giao thông tối ưu khi quy hoạch hệ thống giao thông đô thị tại các nước đang phát triển có mật độ dân số cao. Việc thành phố Hà Nội nghiên cứu và đưa vào sử dụng hình thức vận chuyển này là phù hợp với thực tế sự phát triển. Đây được xem một trong những giải pháp quan trọng giải quyết bài toán ùn tắc giai thông vô cùng nan giải tại Thủ đô hiện nay.

leftcenterrightdel
Xe buýt nhanh (BRT) sắp được đưa vào chạy thử nghiệm. Ảnh minh họa

Chủ trương phát triển xe buýt nhanh đã được thành phố Hà Nội chuẩn bị từ vài năm trước. Trên tuyến giao thông, loại xe buýt nhanh BRT được phân làn riêng. Theo đó, sẽ cấm một số phương tiện như xe tải, xe ô tô chở hàng, xe khách, taxi trong những khung giờ cao điểm nhất định. Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân bằng xe buýt nhanh BRT, thành phố đã thống nhất bố trí các điểm trông giữ phương tiện giao thông cá nhân (xe đạp, xe máy) trên hè gần khu vực nhà chờ hoặc các khu vực lân cận, đặc biệt là các khu vực có nhu cầu gửi xe lớn. Khi buýt nhanh hoạt động, lực lượng chức năng sẽ tham gia điều hành, hướng dẫn giao thông cho các phương tiện di chuyển trên dọc hành lang tuyến buýt BRT.

Tất nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí phản đối loại hình dịch vụ này bởi họ lo ngại về những phát sinh, bất cập như: Đường Hà Nội vốn đã ùn tắc, giờ lại dành riêng một phần đường cho xe buýt nhanh khiến cho đường càng trở nên ùn tắc hơn; hay việc cấm một số phương tiện trong giờ cao điểm để dành đường cho xe buýt nhanh sẽ gây nhiều khó khăn cho đời sống của một bộ phận người dân; rồi khó khăn đối với người đi xe buýt nhanh đó là hệ thông giao thông này chưa kết nối thuận lợi cho mọi khu vực, nơi ở, nơi làm việc…

Bất cứ loại hình dịch vụ vận tải mới nào khi đưa vào thực tế cũng sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế. Loại hình xe buýt nhanh dù đã chứng minh được tính hiệu quả vượt trội ở nhiều nước nhưng cũng không dễ dàng phù hợp ngay với điều kiện thực tế ở Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đơn cử như tâm lý bỏ xe cá nhân, đi các loại hình vận tải công cộng vẫn chưa trở thành thói quen ở Việt Nam. Cũng phải nói thêm rằng, thời gian qua, hình thức vận tải bằng xe buýt thông thường chưa thu hút được người dân sử dụng. Ngoài việc thời gian di chuyển chậm thì văn hóa ứng xử trên xe buýt chưa tốt khiến nhiều không mặn mà sử dụng. Những ý kiến quan ngại từ bất cập phát sinh đối với loại hình xe buýt mới là điều dễ hiểu bởi nó tác động trực tiếp đến sinh hoạt hằng ngày, đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, nhìn về tổng thể những lợi ích chung thì việc thực hiện chủ trương đưa vào sử dụng xe buýt nhanh là cần thiết.

Phương tiện xe cá nhân phát triển quá nhanh là vấn đề rất nóng của Hà Nội, hệ quả mà nó gây ra chính là tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng của thành phố, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Bởi thế, để hạn chế sự phát triển các phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, đem đến sự phục vụ thuận tiện cho người dân khi đi lại thì xe buýt nhanh được xem là một giải pháp khả thi. Cùng với sự quyết tâm của thành phố, thì sự ủng hộ của toàn xã hội, của mọi người dân là rất cần thiết để chủ trương đi vào thực tế.

NGUYỄN TUẤN