Để bảo đảm tính khả thi cho dự án, nhà đầu tư được thu phí hoàn vốn và có một phần lợi nhuận theo phương án tài chính đã quy định cụ thể trong hợp đồng BOT. Tuy nhiên, dự toán ban đầu về tổng mức đầu tư hay lưu lượng phương tiện có thể tăng hoặc giảm khi dự án hoàn thành, đi vào khai thác. Do vậy, việc điều chỉnh thời gian thu, mức thu phí để sát với thực tế là rất cần thiết. Trường hợp Trạm thu phí Tào Xuyên trên Quốc lộ 1 qua tỉnh Thanh Hóa sẽ tạm dừng thu phí từ hôm nay (10-8) là một ví dụ điển hình.
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: baomoi.com
Vấn đề được đặc biệt quan tâm là tính minh bạch thông tin của các dự án BOT giao thông. Có tuyến đường đã khai thác hàng chục năm, thậm chí đường đã xuống cấp nhưng vẫn tiếp tục thu phí, không biết đến bao giờ mới chuyển giao? Có những trạm thu phí được đặt tại vị trí không hợp lý, thu phí cả những phương tiện không sử dụng tuyến đường BOT. Rồi có trạm thì được cho là có mức thu quá cao... Chính những băn khoăn, hồ nghi đó dẫn tới những phản ứng tiêu cực của không ít chủ phương tiện tại một số trạm thu phí BOT giao thông.
Để giải quyết vấn đề này, cần có những giải pháp để cung cấp thông tin cho xã hội, từ đó tạo niềm tin và sự đồng thuận. Một giải pháp đang được Bộ Giao thông vận tải thúc đẩy là xây dựng các trạm thu phí điện tử, không phải dừng phương tiện, kết nối thông tin từ trạm thu phí qua hệ thống tự động. Khi đó, số phương tiện qua trạm sẽ được xác định chính xác; được công khai để người dân, xã hội cùng tham gia giám sát. Có ý kiến còn đề xuất nên lập đồng hồ đếm ngược tại mỗi trạm thu phí để biết thời gian hoạt động còn lại của trạm...
Tuy nhiên, công bằng mà nói, không phải dự án BOT giao thông nào cũng gặp thuận lợi. Hầu hết những dự án thuận lợi đều nằm ở tuyến quốc lộ huyết mạch, độc đạo, lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí rất cao. Còn ở một số dự án đường cao tốc xây dựng tuyến mới, song song với tuyến đường cũ, thì thời gian đầu khai thác, số tiền thu được chưa thể bảo đảm bù đắp khoản kinh phí lớn mà doanh nghiệp đã đầu tư. Với những trường hợp này, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ hợp lý, bảo đảm cân đối tài chính cho dự án. Bởi chỉ khi nào các dự án mang lại hiệu quả, thì khi đó các nhà đầu tư mới tiếp tục bỏ tiền xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông-huyết mạch của kinh tế-xã hội.
Với nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông ngày càng lớn như hiện nay thì nguồn vốn trong nước khó có thể đáp ứng đủ, rất cần thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Nếu vậy, cần phương thức thực hiện mang lại sự minh bạch hơn, sòng phẳng hơn, theo đúng pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế. Chính sự minh bạch, sòng phẳng sẽ tạo niềm tin cho các bên khi xây dựng và sử dụng dự án BOT giao thông. Lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư và của người dân đều cần được tôn trọng, bảo đảm.
ĐỖ MẠNH HƯNG