Mất đi sự yêu thương, chăm sóc của cha mẹ, người thân... hơn lúc nào hết, các em rất cần nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội.
Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19; hưởng ứng Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Đoàn chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động và triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” từ ngày 20-10-2021 nhằm hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do dịch Covid-19; tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng. Đến nay, các cấp hội đã vận động, kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu 1.458 trẻ em mồ côi do Covid-19 tại các tỉnh, thành phố, với hai hình thức: Trực tiếp chăm sóc, hướng dẫn cho các em thường xuyên hằng ngày và hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí học tập, bảo hiểm y tế, sổ tiết kiệm....
 |
Trẻ em mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 1 - cơ sở 2, ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ảnh: VOV. |
Phát huy truyền thống quý báu của dân tộc “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, góp phần làm sáng đẹp 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã trao tặng phụ nữ Việt Nam “Anh hùng-Bất khuất-Trung hậu-Đảm đang”, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” là một việc làm thiết thực, hiệu quả của các cấp hội phụ nữ để chung tay, đồng lòng cùng với Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước giúp đỡ các em nhỏ mồ côi trong đại dịch Covid-19.
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã và đang lan tỏa, truyền đi thông điệp giúp các em được sống yên ấm trong tình thương yêu của cộng đồng. Sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần đối với trẻ mồ côi, bất hạnh không chỉ thể hiện tình cảm, trách nhiệm mà còn là truyền thống đoàn kết, nhân ái của người Việt. Để tiếp tục nhân lên nét đẹp nhân văn và đồng hành với chương trình, mỗi cấp, mỗi ngành, địa phương, đơn vị cần nghiên cứu áp dụng thực hiện chương trình phù hợp, thiết thực. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc thay thế cho “Mẹ đỡ đầu”-người trực tiếp chăm sóc trẻ hàng ngày; triển khai các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, biểu dương điển hình các cặp “mẹ đỡ đầu” và các con; tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi giải trí vào dịp nghỉ hè; biểu dương các cháu có thành tích học tập tốt hoặc có hoạt động mang lợi ích tích cực cho cộng đồng. Chính sự yêu thương, đùm bọc của “mẹ đỡ đầu” sẽ là nền tảng để vun đắp, hình thành một nhân cách sống đẹp, sống sẻ chia, trách nhiệm với cộng đồng trong các em. Đó là hành trang vững chắc cho các em bước vào đời và tiếp tục lan tỏa những yêu thương trong xã hội.
DUY THÀNH