Tại cuộc Hội thảo khoa học “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản-giá trị và sức sống trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam” do Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) tổ chức sáng 30-1, nhiều đại biểu đã khẳng định: Thành công của cách mạng Việt Nam trước hết bắt nguồn từ việc lãnh tụ Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo từ năm 1848 soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Mạch nguồn đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam từ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Tuyên ngôn Đảng Cộng sản…

Một góc TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa.

Lịch sử đã chứng minh sức sống của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản không chỉ ở những luận điểm, nguyên lý chung mà còn được thể hiện ở việc bổ sung, vận dụng sáng tạo vào các hoàn cảnh lịch sử cụ thể để giành thắng lợi. Sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo là một ví dụ điển hình. Đại hội VI (tháng 12-1986) của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, từ đổi mới tư duy đến đổi mới tổ chức cán bộ; từ đổi mới phương pháp lãnh đạo đến phong cách công tác; từ đổi mới kinh tế đến đổi mới chính trị, tư tưởng, văn hóa... Đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Thực tế hơn 30 năm qua đã khẳng định điều đó. Song, đổi mới hoàn toàn không phải là sự thay đổi mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả hơn bằng những quan niệm đúng đắn và những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp. Một trong những bài học kinh nghiệm hàng đầu trong quá trình đổi mới của Đảng ta là phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.  

Trong năm qua, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng cả về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đặc biệt, lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thế nhưng, nếu chúng ta bằng lòng hoặc chủ quan với kết quả đó và không tiếp tục nỗ lực thì quán tính sẽ không còn và cỗ máy đổi mới, phát triển sẽ dừng lại. Tại cuộc họp giữa Chính phủ với bộ, ngành và địa phương mới đây, cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều mong muốn cỗ máy đổi mới đó sẽ tiếp tục quay nhanh hơn trong năm 2018. Muốn thế, cần phải loại bỏ những lực cản để cỗ máy vận hành trơn tru, trong đó cần ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước; gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo điều kiện để mọi chủ thể thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo luật định.

Để tiếp nối mạch nguồn đổi mới, cũng cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Chú trọng hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thực sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường phòng, chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật.

ĐỖ PHÚ THỌ