Theo số liệu thống kê và phân tích của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong số các TNGT đường bộ năm 2016 cho thấy, đa phần các vụ TNGT xảy ra là do ý thức người tham gia giao thông, chiếm tới 76,1%, tập trung chủ yếu vào các hành vi như đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, chuyển hướng không bảo đảm an toàn, sử dụng rượu bia… Nhiều vụ TNGT thảm khốc xảy ra vào sáng sớm, khi lái xe đi với tốc độ lớn; hoạt động tuần tra, kiểm soát giao thông của lực lượng chức năng thưa thớt; ý thức của người tham gia giao thông còn chủ quan.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

Nhìn nhận qua các vụ TNGT thảm khốc, vẫn là do ý thức và lương tâm của người điều khiển phương tiện giao thông. Phân tích các vụ TNGT ở TP Hồ Chí Minh, hơn 92% số vụ TNGT có nguyên nhân từ ý thức của người tham gia giao thông. Điều này cho thấy cần phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người tham gia giao thông, nhất là những người trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông. Hiện nay, các cơ sở dạy nghề, đào tạo lái xe thường chú trọng về kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng lái xe, mà chưa thật sự quan tâm đến giáo dục đạo đức, nâng cao nhận thức cho người học trong chấp hành pháp luật, nhất là khi tham gia giao thông. Tính mạng của người tham gia giao thông phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi người lái xe, đó là lương tâm của người lái xe sau tay lái. Dù thế nào đi nữa, khi người lái xe cố tình không tuân thủ các quy định của pháp luật để rồi gây ra những vụ tai nạn thảm khốc khiến người khác phải bỏ mạng hoặc thương tật suốt đời, đó là tội ác khó dung thứ.

Để giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức và trau dồi đạo đức, lương tâm hướng thiện cho người lái xe là trách nhiệm của toàn xã hội. Trước hết là các cơ sở giáo dục, đào tạo thường xuyên coi trọng việc bồi dưỡng, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho người lái xe; từng người lái xe ngoài việc học tập, tích lũy kinh nghiệm, phải không ngừng nâng cao ý thức tu dưỡng đạo đức, coi tính mạng của người khác như tính mạng của mình và người thân trong gia đình. Các cơ quan, doanh nghiệp, chủ sở hữu lao động phải tuân thủ các quy định sử dụng lao động, tạo điều kiện tốt nhất cho người lái xe làm việc, tránh vì lợi nhuận mà thúc ép, gây áp lực cho lái xe, khiến ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và cuộc sống của người lái xe. Vai trò cảnh báo và ngăn chặn lái xe chạy quá tốc độ, vi phạm pháp luật đã được quy định cụ thể và giao cho chủ doanh nghiệp. Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vận tải phải bố trí, cắt cử nhân viên theo dõi hoạt động của lái xe 24/24 giờ để kịp thời cảnh báo và ngăn chặn vi phạm. Các cơ quan chức năng, nhất là Công an, Thanh tra giao thông thường xuyên làm tốt công tác quản lý, giáo dục; tuần tra, kiểm soát, giám sát, xử lý kiên quyết các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là việc trang bị các phương tiện giám sát hành trình, giám sát hoạt động của lái xe, người lao động mang tính hình thức, đối phó. Cơ quan chức năng tăng cường các hình thức xử lý vi phạm, như "phạt nguội", công khai vi phạm trên các phương tiện truyền thông, thông báo đến cơ quan chủ quản để răn đe, phòng ngừa, phối hợp xử lý. Cần sự giám sát của toàn xã hội, nhất là của từng người dân, phản ánh kịp thời những việc làm sai trái, tiêu cực, hành vi phi đạo đức của người lái xe và của các tập thể, chủ doanh nghiệp sử dụng lao động trong lĩnh vực vận tải và khi tham gia giao thông.

XUÂN GIANG