Gần đây, việc học và hành của nhà trường còn nâng lên một bước bằng việc liên kết, hợp đồng với các công ty du lịch, khách sạn có chất lượng cao, có sao số. Không chỉ vậy, nhà trường còn liên kết với các trung tâm đào tạo có thương hiệu trên thế giới để xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn hiện đại. Kết quả là chất lượng sinh viên của trường đã nâng cấp rõ rệt, ra trường là có thể kiếm được việc làm ở ngay những công ty du lịch có uy tín.

Câu chuyện của Trường Cao đẳng nghề Du lịch và Dịch vụ Hải Phòng không phải là hiện tượng đơn lẻ. Ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố đã có những trường đại học, cao đẳng có tầm nhìn đã tổ chức lại hệ thống đào tạo với những mục tiêu gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của khu vực và đất nước. Đặc biệt, từ sự liên kết, phối hợp trong quá khứ, các trường trên đã phối hợp với các doanh nghiệp ký kết hợp đồng đào tạo. Theo đó, các cán bộ, chuyên gia giỏi của doanh nghiệp sẽ trực tiếp tham gia giảng dạy hoặc kèm cặp, hướng dẫn sinh viên ngay tại các vị trí công việc trong doanh nghiệp. Hợp đồng đào tạo ràng buộc trách nhiệm của đôi bên. Nhà trường phải bảo đảm chất lượng giảng dạy những nội dung gì và doanh nghiệp, chuyên gia phải bảo đảm những nội dung gì, kỹ năng gì cụ thể. Việc phối hợp, giúp nhau chung chung theo kiểu quan hệ tình nghĩa và hình thức không còn nữa. Và cuối cùng, doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động cũng chủ động được về chất lượng, số lượng sinh viên để tuyển dụng khi họ ra trường, đồng thời uy tín, thương hiệu của nhà trường được nâng cao.

leftcenterrightdel
 Sinh viên ngành du lịch trong giờ học thực hành. Ảnh minh họa: dantri.com.vn.

Những chuyển biến mới trong liên kết, hợp đồng đào tạo mới chỉ bắt đầu, trong khi cả guồng máy đại học, cao đẳng và trường nghề mở rộng ồ ạt thời gian qua vẫn đang vận hành nặng nề, tốn kém và chất lượng thấp. Trong khi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức không thể có nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực trạng này không thể thay đổi trong một sớm, một chiều, nhưng đã đến lúc phải quyết liệt đổi mới.

Có thể thấy rất rõ ràng những cố gắng của nhiều ngành, nhiều địa phương trong thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Song, trong khi phải đồng thời tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, chúng ta rất cần xác định rõ những biện pháp then chốt. Phải chăng, liên kết, hợp đồng đào tạo chính là một trong những biện pháp thực tế có ý nghĩa then chốt đó. Từ những đổi mới của một số trường, trung tâm đào tạo mở rộng thành phổ biến tất nhiên không đơn giản. Việc này đòi hỏi sự năng động của lãnh đạo các trường, mặt khác, rất cần sự mở lối và hỗ trợ của các ngành, các cấp. Doanh nghiệp, đơn vị nào mới có khả năng ký hợp đồng đào tạo với nhà trường? Và ngay khi có khả năng, họ có sẵn sàng nếu thực sự với họ đó không phải là công việc cần thiết?

Những rào cản nào, nhu cầu thiết thực nào và ràng buộc nào cần phải xem xét để nhà trường và doanh nghiệp siết chặt tay nhau trong đào tạo? Sự vận hành của cơ chế thị trường không chấp nhận chỉ thị, mệnh lệnh hành chính và đó chính là những nút thắt mà các cấp, các ngành cần phải vào cuộc để tháo gỡ.

Mới đây, một ngành chủ quản các trường nghề nêu lên yêu cầu “nếu trường không tuyển được sinh viên, hiệu trưởng phải từ chức”. Một yêu cầu khá gay gắt thể hiện quyết tâm thay đổi, song để hiệu trưởng cùng các ban lãnh đạo nhà trường đáp ứng được yêu cầu đó thì phải hỗ trợ ra sao, tạo điều kiện thế nào là việc mà ngành chủ quản cùng các cơ quan chức năng, các ngành liên quan phải cùng vào cuộc với các nhà trường.

Dẫu sao, đã có những nhà trường và doanh nghiệp đặt những bước đi đầu tiên mở đường cho liên kết, hợp đồng đào tạo. Nghiên cứu cách làm, kinh nghiệm thành và chưa thành của họ sẽ giúp làm rõ cách đi, để nhân rộng mô hình hiệu quả này.

ANH NGUYỄN