Ngay lập tức, vấn đề của quán cà phê “Xin chào” trở thành mối quan tâm hàng đầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với doanh nghiệp năm ngoái. Thông điệp không hình sự hóa các quan hệ kinh tế được Thủ tướng nhắc lại đến 3 lần trong hơn 5 giờ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Quyết định khởi tố bị can với chủ quán cà phê nọ cũng đã được hủy bỏ. Vấn đề mà Thủ tướng đặt ra cho các cơ quan quản lý lúc ấy là: Làm thế nào để người dân và doanh nghiệp có thể yên tâm khởi nghiệp, không sợ chết khiếp bởi những rủi ro không thể tưởng tượng nổi từ “trên trời” rơi xuống?
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sau hội nghị ấy, trong một năm qua, cách ứng xử của các cơ quan pháp luật đối với doanh nghiệp đã tích cực hơn, không thấy xuất hiện những vụ hình sự hóa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách tùy tiện như vậy nữa.
Năm nay, ngay trước Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp được tổ chức ngày 17-5 tới đây tại Hà Nội, lại xảy ra một vụ việc nổi cộm khác, mang một ý nghĩa khác. Đó là việc gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư trị giá gần 14 tỷ đồng tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP Hồ Chí Minh bị “ngâm” trong kho bãi hơn một năm (từ tháng 7-2013 đến tháng 8-2014) bị hết hạn, đành phải hủy bỏ vì những bất cập, chậm trễ trong thủ tục hành chính cấp phép... Như vậy, vấn đề mà Thủ tướng hết sức quan tâm, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt thời gian qua là cải cách thủ tục hành chính đã có một vụ việc điển hình. Trong vụ việc này, số tiền bị thiệt hại là không nhỏ, thế nhưng đau xót hơn là nếu như có cách giải quyết hợp lý hơn, nhanh chóng hơn thì số thuốc ấy đã không bị lãng phí và có thể nhiều bệnh nhân ung thư có thêm cơ hội được cứu sống.
Trong một nền kinh tế thị trường, sự hợp lý trong các quyết định, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan chính quyền, của hệ thống hành chính có tác động rất lớn đến hiệu quả của cả nền kinh tế. Chỉ cần xuất hiện những động thái thiếu tích cực, gây tác động tâm lý bất lợi của một cơ quan công quyền, cơ quan luật pháp nào đó thì dòng tiền đầu tư có thể sẽ bị ảnh hưởng. Chỉ cần sự chậm trễ do thủ tục hành chính phức tạp, do tắc trách, hoặc do dụng ý xấu của các nhân viên hành chính khiến giấy phép bị “ngâm” lâu thì cơ hội kinh doanh sẽ tiêu tan, dự án có thể thất bại, doanh nghiệp có thể bị phá sản.
Có người đặt ra giả thiết rằng, nếu như mọi bộ, ngành, địa phương đều thực hiện đúng các quy định của pháp luật thì chắc hẳn những bức xúc của người dân và doanh nghiệp sẽ ít đi, và người đứng đầu các cấp quản lý, mà ở đây cao nhất là Thủ tướng chắc sẽ không phải tổ chức những cuộc tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp. Đặt vấn đề như vậy có ý đúng, nhưng chưa đầy đủ. Cách thức quản lý theo kiểu chỉ là áp dụng đúng những quy định của luật pháp sẽ không thể hiện đúng tinh thần kiến tạo.
Có một thực tế là trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, mỗi ngày, người dân và doanh nghiệp phải đối mặt với không ít những rủi ro. Nhiều khi những rủi ro ấy đến từ cách hiểu và cách diễn giải pháp luật rất khác nhau của những cán bộ, công chức thực thi. Rồi thì có cả những bất hợp lý trong các điều luật, quy định phải một thời gian được áp dụng trên thực tế mới bộc lộ rõ. Vì vậy, việc thời gian qua, người đứng đầu ở nhiều cấp quản lý mà cao nhất là Thủ tướng Chính phủ tổ chức các cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp là cực kỳ cần thiết, thể hiện cao độ việc sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu, để từ đó quyết liệt hành động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, kiến tạo cho sự phát triển của doanh nghiệp. Trong các cuộc gặp ấy, vấn đề được quan tâm không phải chỉ là thực thi đúng pháp luật mà còn có sự góp ý để pháp luật, quy định thế nào cho hợp lý; cách diễn giải luật, quy định thế nào để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển.
Vì thế, mỗi lần Thủ tướng tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp là một lần được chờ đợi và kỳ vọng. Kỳ vọng sau cuộc gặp ấy, nhiều đổi thay tích cực sẽ diễn ra, sẽ là động lực phát triển của nền kinh tế trong thời gian tiếp theo.
QUANG HƯNG