Nhờ cách thức vay đơn giản, nhanh chóng, hiện các app (ứng dụng) cho vay tài chính trực tuyến đang là nơi nhiều lao động, thanh niên tìm đến vay tiền. Với tâm lý vay dễ-bùng nợ dễ, mỗi nhóm hướng dẫn quỵt nợ có tới hàng chục nghìn thành viên. Đáng sợ là họ công khai và bàn luận thản nhiên, chia sẻ mánh khóe, thậm chí dạy nhau, rủ nhau bùng nợ như thể là một sở thích chứ không phải một hành vi vi phạm pháp luật.
Tình trạng bùng nợ vay tiêu dùng tràn lan không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính mà những hành vi méo mó ấy đang có xu hướng lớn dần trong một bộ phận không nhỏ thanh niên lười biếng. Điều đó gây ra những bất ổn trong nhận thức, lối sống của nhiều người. Trên thực tế, thực trạng thanh niên thích “ngồi mát ăn bát vàng” muốn kiếm tiền nhanh nhưng không muốn làm việc đang diễn ra ở nhiều nơi. Phần lớn họ không thực sự có bước chuẩn bị để làm việc chăm chỉ, thay vào đó là ảo tưởng bản thân, đặt kỳ vọng lớn vào việc kiếm tiền thật nhiều, tôn thờ lối sống hưởng thụ, hào nhoáng nhưng... không muốn lao động vất vả. Không khó để bắt gặp nhiều thanh, thiếu niên chưa làm ra tiền, song vung tay sắm sửa đồ dùng hàng hiệu; liên tục chạy đua theo đồ công nghệ, đổi điện thoại đời mới đắt tiền; đàn đúm, la cà quán xá, chểnh mảng học hành, lao động... Trong số đó, có nhiều người trẻ lớn lên trong gia đình không lấy gì làm khá giả, thậm chí còn khó khăn, thiếu thốn. Ông bà ta có câu “Ngồi dưng ăn hoang, mỏ vàng cũng cạn”, bởi vậy để có tiền, họ sẵn sàng làm mọi thứ. Khoảng cách từ những vi phạm nhỏ đến rơi vào vòng phạm pháp ngắn chẳng tày gang.
 |
Một trong nhiều hội nhóm tư vấn cách chây ì nợ của ứng dụng vay tiền. Ảnh: Baomoi.com
|
Trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam, việc vay mượn tiền bạc là một việc rất quan trọng. Mượn tiền để thấu lòng người, trả tiền để thấu nhân phẩm. Trả nợ không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà được xem là thước đo uy tín, danh dự của người đi vay nên “sống chết cũng phải trả”. Nhiều người có suy nghĩ lệch lạc, coi “xù nợ” là một cách để giải quyết khó khăn của bản thân mà không hiểu đang vi phạm đạo đức và pháp luật.
Trong cuộc sống, chúng ta có thể thấy nhiều người vi phạm đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật chỉ vì sự cám dỗ của đồng tiền. Nếu không đủ bản lĩnh, không chú ý rèn luyện đạo đức, không đủ khả năng để có những định hướng đúng đắn sẽ khiến nhiều người không đơn giản chỉ là thiếu hiểu biết, lầm đường lạc lối, mà còn trở thành hiện thân của tội ác. Khi rơi vào vòng lao lý, đồng tiền đâu còn có ích, giá trị bản thân từ đó cũng bị coi thường, rẻ rúng.
THU HÀ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.