Để bảo đảm thành lập được Ủy ban trong quý I-2018, các công việc cần thiết đang và sẽ được xúc tiến triển khai, trước mắt là dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thành lập Ủy ban và dự thảo Nghị định về cơ cấu chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, gắn với điều chỉnh về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của một số bộ (chuyển chức năng, nhiệm vụ của các Vụ Đổi mới doanh nghiệp (DN) thuộc các bộ về Ủy ban)… Theo đó, Ủy ban sẽ là cơ quan giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản Nhà nước tại các DN (ước tổng trị giá khoảng 5,4 triệu tỷ đồng); thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Ủy ban khi chính thức đi vào hoạt động sẽ quản lý 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Viettel là DN quốc phòng, an ninh) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của các bộ. Điều này tạo kỳ vọng mới về xóa bỏ tình trạng DNNN đang bị quá nhiều đầu mối quản lý phân tán, nhưng không ai chịu trách nhiệm khi xảy ra sai phạm. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tập trung lực lượng trí tuệ để có thể làm tốt hơn công tác xây dựng chính sách quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại DN.
 |
Ảnh minh họa. |
Việc thành lập một cơ quan để thay thế cách quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại DN theo kiểu bộ chủ quản vừa qua là đúng đắn và cần thiết. Vấn đề là mô hình quản lý, công tác điều hành, phân công và phối hợp trách nhiệm cụ thể của Ủy ban sao cho khoa học, hợp lý và sát thực tế, tránh sa vào những cách làm cũ thiếu hiệu quả. Trong đó, cần chú ý tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước, với chức năng quản lý Nhà nước đối với mọi loại hình DN, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN. Cơ chế quản lý và thước đo hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước cần có sự phân biệt tính chất hoạt động vị lợi nhuận và không vị lợi nhuận của DN và phần vốn, tài sản Nhà nước tại DN; cũng cần làm rõ quyền và trách nhiệm trong quản lý vốn giữa các lãnh đạo DN với người đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DN.
Đặc biệt, Ủy ban cần có cơ chế quản lý mới sao cho vừa tôn trọng các nguyên tắc kinh doanh thị trường, vừa tăng cường kiểm soát quyền lực, không tạo kẽ hở để hình thành nhóm lợi ích, tham nhũng, lãng phí, thao túng hoạt động và yếu kém về năng lực quản lý, điều hành, sa sút về tinh thần trách nhiệm, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, không rõ ràng về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản trị, điều hành DNNN; từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của DNNN để làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các DN thuộc thành phần kinh tế khác.
Khi cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Ủy ban được thiết kế chu đáo, bảo đảm tính khoa học sát thực tế, được công khai lấy ý kiến rộng rãi, thì chắc chắn những kỳ vọng mới về cải thiện hiệu quả quản lý vốn Nhà nước tại DN nói riêng và quản lý Nhà nước về DN nói chung sẽ ngày càng sáng dần.
TS NGUYỄN MINH PHONG