Cao điểm có ngày có tới 10 vụ việc, con người cụ thể báo chí điểm mặt chỉ tên, được Thủ tướng, Phó thủ tướng thường trực yêu cầu kiểm tra, báo cáo, xử lý. Từ những việc về các trụ nước bị hỏng, về đường dây “chạy” giám định sức khỏe để được nghỉ hưu sớm, tới giám đốc sở địa phương nọ khai man danh hiệu, rồi nữ cán bộ kia được thăng tiến thần tốc... Thủ tướng đã quan tâm, chỉ đạo xử lý.
Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phản ứng kịp thời trước các vấn đề báo chí nêu là một biểu hiện cao của một nền hành chính phục vụ. Bởi báo chí là một kênh phản ánh thực tế đời sống, kinh tế, xã hội, những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những vấn đề đặt ra. Từ phản ánh của báo chí, những nhà lãnh đạo, những người quản lý được cung cấp thêm thông tin, được tham mưu về những phần việc mà mình đang lãnh đạo, quản lý, nhờ đó có thêm cơ sở để đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời.
Trụ nước chữa cháy trên đường Phan Văn Hớn (quận 12) bị “há miệng” do kẻ gian lấy cắp nắp. Ảnh minh họa: SGGP.
Chúng ta luôn đề cao vai trò của báo chí trên mặt trận thông tin, làm công tác tư tưởng, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, sai trái, suy thoái, tham nhũng... Tuy nhiên, có một thực tế là không phải lúc nào, vấn đề nào báo chí nêu cũng được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng quan tâm, trả lời kịp thời, cung cấp các thông tin liên quan. Có những việc dường như bị lờ đi, lảng tránh, để mặc cho rơi vào im lặng; khi trả lời thì qua loa, đại khái, rất thiếu trách nhiệm. Khi trực tiếp viết bài trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” thời kỳ đầu đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã dùng cụm từ “sự im lặng đáng sợ” để nói về việc các cơ quan, đơn vị, địa phương im lặng, thờ ơ trước những sự việc mà báo chí, dư luận đang rất quan tâm, rất bức xúc. Thái độ im lặng ấy đáng sợ ở chỗ, đó là biểu hiện của sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, thách thức dư luận, thậm chí là dung túng cho cái xấu. Sự im lặng ấy còn đáng sợ ở chỗ không vì thế mà sự việc sẽ bị dư luận quên đi. Ngược lại, nó sẽ gây nghi ngờ, gây nản lòng, sẽ tích tụ bức xúc, tạo dấu ấn tiêu cực trong tâm lý xã hội, và cũng từ đó kẻ xấu dễ xuyên tạc, kích động.
Sự vào cuộc của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ chỉ đạo về các việc báo chí quan tâm thực sự là một tín hiệu rất tích cực. Chắc chắn các việc đã được điểm mặt, chỉ tên sẽ nhanh chóng được xử lý.
Tuy nhiên, sẽ thật tuyệt vời hơn, nếu như tất cả các bộ, ngành, địa phương cũng đều quan tâm đến vấn đề báo chí nêu. Vì cấp cơ sở mới là nơi có trách nhiệm trực tiếp, dễ nắm thông tin. Giá như ở mỗi cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương đều có mục trả lời báo chí, phản hồi báo chí, thì sẽ tạo ra một hiệu quả cộng hưởng, sẽ có nhiều vụ việc được báo chí, dư luận quan tâm được trả lời kịp thời hơn. Để từ đó, việc nào báo chí nêu đúng thì kiểm điểm, khắc phục ngay những sai sót, hoặc nghiên cứu thực hiện sớm những sáng kiến của báo chí; việc nào báo chí nêu chưa đúng thì phản hồi để báo chí thông tin lại, đính chính thông tin sai để dư luận hiểu đúng, tránh gây hoang mang, tránh tích tụ bức xúc.
Sự vào cuộc của lãnh đạo cấp cao chỉ là “mồi” (chữ dùng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), là động lực, là sự thúc giục các cấp quản lý bên dưới phải quan tâm, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Điều quan trọng là cả hệ thống quản lý phải vào cuộc quyết liệt thì các vấn đề nảy sinh trong xã hội mới được giải quyết kịp thời, thấu đáo.
HỒ QUANG PHƯƠNG