Phong trào vận động hiến đất mở rộng hẻm được Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát động, chỉ đạo triển khai từ năm 2000. Gần 22 năm qua, đã có hơn 168.000 hộ dân tự nguyện hiến hơn 5,3 triệu mét vuông đất, tương ứng số tiền hơn 10.050 tỷ đồng, phục vụ cho 5.230 công trình phúc lợi. Thành quả đó là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, mấu chốt là sự đồng thuận của người dân trong các hẻm, khu phố. Tổ chức nòng cốt cụ thể hóa chủ trương này là chi bộ đảng ở các khu phố.

Một trong những bài học kinh nghiệm rút ra trong từng nhiệm kỳ và xuyên suốt hơn 2 thập kỷ qua chính là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Với tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, rất nhiều cán bộ, đảng viên đã gương mẫu tự nguyện hiến đất, nêu gương thúc đẩy phong trào trong dân. Một số chi bộ khu phố ở các địa phương như: Phường 13 (quận 10), phường 1 (quận Phú Nhuận), đường Chế Lan Viên (quận Tân Phú), các hẻm ở đường Lý Chính Thắng (quận 3), đường Bùi Văn Ba (quận 7)... là những dẫn chứng điển hình về vấn đề này. 

Ảnh minh họa / qdnd.vn 

Việc tuyên truyền, vận động, nêu gương được xác định rất cụ thể trong các nghị quyết, đặc biệt là tại mỗi kỳ đại hội chi bộ. Trong cộng đồng dân cư ở mỗi con hẻm, khu phố, việc của Đảng cũng chính là việc của dân. Quá trình xây dựng văn kiện, nghị quyết đại hội, cấp ủy đã cầu thị lắng nghe góp ý của dân, đến từng nhà, gặp từng người để vận động, hỏi ý kiến. Bên tách cà phê, đĩa cơm tấm vỉa hè, công việc của chi bộ cũng là của dân, diễn ra một cách thân tình, cởi mở, tự nhiên.

Thế nên, chủ trương được đại hội xác định chính là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng của dân, trong đó việc xác định làm chuyển biến những việc khó, khâu đột phá là phải dựa vào chính sức dân. Đại hội chi bộ không chỉ là việc của cán bộ, đảng viên, mà còn là nơi quy tụ trí tuệ, tâm tư, nguyện vọng của dân. Kết quả được lượng hóa trên thực tế của những chỉ tiêu, nhiệm vụ do đại hội đề ra chính là minh chứng thuyết phục của “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ở từng cộng đồng dân cư trong các con hẻm, khu phố.

Đất đai ở đô thị được coi là “đất vàng”. Ở những đô thị lớn, nó được ví như “kim cương”. Khi người dân tự nguyện hiến những thứ đắt đỏ ấy cho công việc chung, chứng tỏ công tác tuyên truyền, vận động của chi bộ đảng đã đạt hiệu quả hết sức to lớn. Như thế, lòng dân chính là thứ “kim cương” vô cùng quý giá của Đảng. Chi bộ là nơi trực tiếp sở hữu, sử dụng, phát huy thứ tài sản vô giá ấy.

Nói như thế để thêm một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của chi bộ trong hệ thống tổ chức đảng các cấp. Đó là nơi gần dân nhất. Cán bộ, đảng viên trong mỗi chi bộ cũng chính là dân. Nền tảng tư tưởng, sức mạnh của Đảng được hình thành, phát huy từ chính hiệu quả tập hợp sức dân ở mỗi chi bộ.

Thực tế đó cũng cho thấy, chi bộ nào, ở bất cứ cơ quan, đơn vị, địa phương nào, cũng có những thứ “kim cương” như thế. Vấn đề là từng cấp ủy, chi bộ phải coi trọng công tác tuyên truyền, vận động thực chất để khai thác, phát huy hiệu quả. Đại hội chi bộ chính là cơ hội, môi trường để làm tốt điều đó. Cần phải chấn chỉnh, khắc phục ngay kiểu làm qua loa đại khái, chi bộ đại hội mà dân ở ngoài cuộc, không biết đại hội lúc nào, đại hội ở đâu, đại hội bàn những gì. Khi dân biết, dân bàn, dân ủng hộ, giám sát, đồng hành với chi bộ thì chắc chắn đại hội sẽ thành công tốt đẹp, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo sẽ không ngừng được nâng cao.

PHAN TÙNG SƠN