Tại TP Hồ Chí Minh, phong trào hiến đất làm đường, hẻm của người dân đã tạo ra hiệu ứng xã hội rất rộng lớn. Được khởi xướng từ những năm 2000, đến nay, người dân thành phố đã hiến gần 5,4 triệu mét vuông đất để mở rộng đường phố, hẻm nhỏ trong khu dân cư được khang trang, sạch đẹp, góp phần chỉnh trang đô thị và văn minh phố phường.
Ai cũng hiểu trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, việc người dân tự nguyện hiến đất để làm đường, hẻm là điều vô cùng trân quý. Trên thực tế, khi mỗi mét vuông đất ở TP Hồ Chí Minh hay các đô thị khác có trị giá từ 50 đến hơn 100 triệu đồng, thậm chí là vài trăm triệu đồng, thì việc để người dân tự nguyện hiến đất không phải là chuyện đơn giản. Cái hay của TP Hồ Chí Minh là có chủ trương đúng đắn từ lãnh đạo thành phố, sau đó các quận, huyện tổ chức triển khai và phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cựu chiến binh, công chức, viên chức Nhà nước. Ở nhiều nơi như các quận: Phú Nhuận, 1, 3, Tân Phú, hay các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè... nhiều gia đình cán bộ, đảng viên đã hiến từ 10 đến 200m2 đất để làm các công trình giao thông và công trình công cộng khác.
 |
Hẻm 98 Bùi Văn Ba rộng rãi sau khi mở. Ảnh: VnExpress. |
Hiến đất làm đường, hẻm và các công trình phúc lợi xã hội bao giờ cũng mang lại những lợi ích to lớn. Có đường lớn, hẻm lớn, khang trang, sạch đẹp thì việc đi lại của người dân thuận lợi hơn, giảm bớt tình trạng ngập úng, tắc đường, kẹt xe. Việc phòng cháy, chữa cháy, cấp cứu người bệnh và các tình huống khẩn cấp cũng như bảo đảm điện nước cho dân cũng dễ dàng và hiệu quả hơn. Người dân có thể bị mất đi một phần tài sản ban đầu, nhưng giá trị đất đai và cơ hội sản xuất, kinh doanh buôn bán bao giờ cũng lớn hơn lúc đầu rất nhiều. Những nơi mở rộng đường, hẻm, người dân và trẻ nhỏ còn có thêm không gian để vui chơi, giải trí và tổ chức các hoạt động cho cộng đồng.
Rõ ràng, việc hiến đất làm đường, hẻm và các công trình công cộng là kết tinh từ những tấm lòng cao quý của các hộ dân để phục vụ lợi ích chung của xã hội. Đây cũng là sự thành công của chính quyền địa phương trong việc thực hiện quy chế dân chủ, công khai các chính sách, tạo điều kiện để người dân tham gia bàn bạc các giải pháp một cách cởi mở, khách quan.
Hiến đất làm đường, hẻm là cuộc vận động hợp lòng dân, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội thì nhân dân luôn ủng hộ. Hiến đất để làm các công trình giao thông và phục vụ cho đời sống của người dân là cuộc vận động “ích nước, lợi nhà”. Hy vọng phong trào này sẽ được lan tỏa rộng rãi trên phạm vi cả nước, để nhà nhà hiến đất, người người hiến đất khi có cơ hội góp sức vào những việc làm có ích. Từ đó, hiến đất sẽ trở thành hiệu ứng xã hội, để từng thành viên trong mỗi gia đình; gia đình này với gia đình kia sẽ vận động, thuyết phục lẫn nhau, tạo ra sự đồng thuận, nhất trí cao, để từ nay về sau, phong trào hiến đất làm các công trình phúc lợi xã hội sẽ trở thành trào lưu phổ biến, góp phần tích cực cho nhiệm vụ xây dựng đô thị xanh, hiện đại, xây dựng nông thôn mới tiên tiến và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
LÊ PHI HÙNG