Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2018 tăng 0,51% so với tháng trước, tăng 2,65% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng khá cao so với cùng kỳ của 3 năm trở lại đây. Trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tính CPI thì tháng qua có tới 10 nhóm hàng tăng giá.
Do tháng 1 giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất nên nhu cầu tiêu dùng của người dân, các doanh nghiệp (DN), các cơ quan tăng hơn những tháng trước, tạo ra áp lực tăng giá nhất định. Theo Tổng cục Thống kê, trong số nhiều nguyên nhân đẩy giá CPI tăng có nguyên nhân chủ yếu là từ nhóm hàng hóa giao thông, thuốc và dịch vụ y tế. Cụ thể, góp vào mức tăng của nhóm giao thông có nguyên nhân từ việc giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng hai đợt đã đẩy tăng CPI chung 0,11%; giá vé tàu hỏa tăng 6,54% do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé vào dịp cuối năm. Cùng với đó, giá dịch vụ y tế tăng đối với đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế theo các quyết định của UBND 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy giá dịch vụ y tế tăng 2,34% so với tháng trước, làm tăng CPI chung 0,09%. Giá điện tăng cũng là yếu tố quan trọng góp phần đẩy CPI tăng 0,06%... Nhìn vào các mặt hàng tăng giá nói trên, có thể thấy ngoài yếu tố tăng giá khách quan, bất khả kháng thì có cả những mặt hàng có thể chủ động được thời điểm điều chỉnh giá. Nếu các mặt hàng được giãn thời điểm tăng giá thì áp lực tăng CPI sẽ giảm đi.
 |
Năm 2017 tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, vượt chỉ tiêu 6,7% do Quốc hội đề ra, và là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. (Ảnh: news.zing.vn).
|
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 1 vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý việc kiểm soát giá, nhất là thời gian trước, trong và sau Tết. Thủ tướng chỉ đạo không để xảy ra sốt giá với nhóm mặt hàng thiết yếu. Các bộ, ngành cần phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa trong kiểm soát giá, không để tăng giá các mặt hàng cùng một thời điểm. Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chưa tăng các loại giá, phí.
Việc kiểm soát giá cả có ý nghĩa rất lớn giữ ổn định nền kinh tế, bảo đảm cuộc sống người dân. Năm 2017 vừa qua, Chính phủ đã rất thành công trong điều hành giá, khiến chỉ số CPI bình quân cả năm 2017 chỉ tăng 3,53%, hoàn thành xuất sắc mục tiêu kiểm soát CPI dưới 4% mà Quốc hội giao. Năm 2018, mục tiêu kiểm soát tăng CPI dưới 4% tiếp tục được đặt ra. Để đạt được mục tiêu này cần phải có nỗ lực kiểm soát giá chặt chẽ suốt cả năm. Cần tạo sự đồng bộ và đặt công tác quản lý trong bối cảnh chung của nền kinh tế, hết sức tránh việc nhiều ngành, nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá vào cùng một thời điểm gây tâm lý lo ngại trong xã hội. HỒ QUANG PHƯƠNG