Nhưng mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa nhận nhiều hạn chế liên quan đến quỹ, trong đó bộ máy vận hành, điều hành chưa ổn, dù đi vào hoạt động năm 2022 theo Quyết định số 49/2018/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, quỹ đã phải thay cả chủ tịch và giám đốc, song vẫn hoạt động chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng "không tiêu được tiền". 

Không giải ngân khoa học, kịp thời, không tiêu được tiền hỗ trợ cũng là một dạng lãng phí nguồn lực của Nhà nước và nhân dân, đặc biệt khi những năm qua, du lịch điêu đứng vì dịch Covid-19. Sự không hiệu quả của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch còn ảnh hưởng tiêu cực tới sự phục hồi và phát triển của toàn ngành, làm giảm niềm tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước. Đơn cử như việc thiếu vắng gian hàng chung của ngành du lịch Việt Nam tại hai hội chợ du lịch hàng đầu thế giới gần đây là WTM London (Anh, tháng 11-2023) và ITB Berlin (Đức, tháng 3-2024). Việc không tổ chức được gian hàng chung này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng nhiệm vụ đặt ra của quỹ là xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch thì rõ ràng đã không hoàn thành. Nhất là khi trước đó, gian hàng chung của Việt Nam tại hai hội chợ lớn này là niềm tự hào của du lịch nước nhà, tạo thiện cảm và để lại nhiều ấn tượng tốt với du khách quốc tế, góp phần không nhỏ trong việc thu hút bạn bè thế giới đến Việt Nam.

leftcenterrightdel
Cầu Vàng ở Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

Theo kinh nghiệm quốc tế, một quỹ hoạt động hiệu quả thường cần bảo đảm nguồn thu và cách thức quản lý để tạo sự bền vững cho phát triển. Nhà nước đã ưu ái khi tạo điều kiện rót cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch 300 tỷ đồng vốn điều lệ. Cách thức quản trị quỹ cũng khá linh hoạt theo mô hình và vận dụng cơ chế tài chính của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, không vì mục đích lợi nhuận mà để đóng góp cho sự phát triển chung của ngành. Tiếc rằng những nhân sự điều hành quỹ đến nay vẫn chưa giúp quỹ đi theo quỹ đạo mong muốn.

Quỹ hoạt động theo mô hình công ty nên cần những người có kinh nghiệm làm kinh doanh, phải xác định thương trường là chiến trường, bởi khi công ty hoạt động không hiệu quả, người chủ sẽ trắng tay. Lãnh đạo quỹ vì thế buộc phải dốc tài năng, sáng tạo để chèo lái chứ không thể thoải mái rời đi bất chấp việc quỹ có hoạt động ra sao. Bên cạnh đó, để tạo ra các hoạt động thực sự hiệu quả, huy động được nguồn lực xã hội, quỹ cần được tăng cường hơn nữa hợp tác công-tư. Nhà đầu tư phải được đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch hoạt động từ đầu năm, giám sát kế hoạch và nguồn tiền thu-chi cho quỹ có đúng mục đích không... Khi quỹ được quản trị minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp, nhà đầu tư sẽ sẵn sàng góp vốn, đồng thời khơi thông dòng tiền từ quỹ để thúc đẩy du lịch phát triển.

HIỀN VINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.