Mua-bán hàng trực tuyến đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến và không thể đảo ngược. Việt Nam thuộc tốp 10 thị trường thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Năm 2023, tính riêng trên 5 sàn thương mại điện tử, doanh thu giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng qua nền tảng internet đã đạt 20,5 tỷ USD, với hơn 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công.

Bên cạnh những giá trị tích cực mà thương mại điện tử mang lại cho kinh tế-xã hội nói chung, người tiêu dùng nói riêng thì các hành vi gian lận, lừa đảo thông qua mua-bán hàng trực tuyến cũng đang gây ra thiệt hại rất lớn cho cả người tiêu dùng, thị trường, doanh nghiệp và Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Người tiêu dùng mua hàng trực tuyến đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh minh họa: laodong.vn

Người tiêu dùng mua hàng trực tuyến đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là mất an toàn dữ liệu cá nhân; mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng; hàng nhận không đúng như quảng cáo; đã đặt cọc hoặc trả tiền trước nhưng không được giao hàng; hàng không đủ số lượng như cam kết; không được đền bù hoặc đổi trả sản phẩm; bị dây dưa, kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại...

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến, Bộ Công Thương đã triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, riêng trong năm 2023 đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm, chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. 

Đây chắc chắn chưa phải là số liệu phản ánh đúng thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, vì rất nhiều người chưa biết có cơ chế bảo vệ này, hoặc biết nhưng không muốn mất thời gian vào việc báo cáo, thưa kiện. 

Từ thực tế quyền lợi bị xâm phạm, nhiều người tiêu dùng đã mất niềm tin với hình thức mua-bán hàng trực tuyến. Cơ quan chức năng cũng chưa có biện pháp xử lý tận gốc vấn đề, dẫn tới các gian hàng, người bán hàng gian lận bị triệt hạ chỗ này lại xuất hiện ở chỗ khác...

Có lẽ, Bộ Công Thương nên tiến hành định danh điện tử cho mọi cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp bán hàng trực tuyến, không chỉ trên sàn giao dịch điện tử mà cả trên các nền tảng mạng xã hội và các trang web khác; không chỉ phục vụ quản lý, chống thất thu thuế mà còn phục vụ việc chống gian lận, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nếu mọi cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp bán hàng trực tuyến đều được định danh điện tử, có hồ sơ bán hàng công khai để lưu giữ mọi đánh giá, ý kiến phản hồi của khách hàng, thì người tiêu dùng có thêm nhiều cơ sở để quyết định có nên mua hàng của người bán hàng đó hay không. Đây cũng là giải pháp quan trọng khiến cho người bán hàng phải trung thực hơn với khách hàng, nếu không muốn bị tẩy chay trên nền tảng bán hàng ngày càng thịnh hành và hiệu quả này.

CHIẾN THẮNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.