Khi đó (vào cuối năm 1997), trước khi bão Linda đổ bộ vào Nam Bộ, nhiều người còn cho rằng Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo sai vì vùng này rất ít khi bị bão nên chủ quan không lo phòng, chống, dẫn đến hơn 3.000 người chết và mất tích.
Năm nay, bão số 16 (bão Tembin) lại càng là trường hợp đặc biệt. Năm nay Biển Đông đón 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới, vượt qua cả kỷ lục trong năm 2013 với 14 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định: Đây là cơn bão mạnh, trái quy luật (đổ bộ vào cuối năm), tốc độ di chuyển rất nhanh, khả năng bão đổ bộ vào vùng rất ít xảy ra bão, tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển nhiều. Hơn nữa, dân cư vùng cửa sông, ven biển khu vực này đông đúc, ít có kinh nghiệm ứng phó với bão; hoạt động kinh tế khá lớn, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản, du lịch… Chính vì thế, nếu chủ quan, lơ là phòng, chống thì hậu quả thật khó lường.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: Vnexpress. |
Để tránh tổn thất do bão số 16 gây ra, tại cuộc họp chiều qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương và người dân phải thường xuyên theo dõi thông tin, nắm bắt kịp thời tình hình của cơn bão, không được chủ quan; đài khí tượng thủy văn và các cơ quan báo chí, truyền thông cần nâng cao thời lượng tuyên truyền, thông tin đầy đủ diễn biến của cơn bão đến tận người dân ở mọi khu vực; các địa phương phải xây dựng biện pháp di dời dân đến vùng an toàn, đặc biệt huy động lực lượng công an, quân đội, thanh niên giúp dân gia cố nhà cửa, bảo đảm an toàn; các giàn khoan trên biển cần có kế hoạch phòng chống cụ thể, nếu cần thiết có thể tạm dừng hoạt động để bảo đảm an toàn. Khi cần thiết, phải triển khai biện pháp mạnh đối với những tàu thuyền, cá nhân không chấp hành thực hiện các phương án phòng, chống thiên tai.
Sự chỉ đạo cương quyết, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối phó với bão số 16 là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để sự chỉ đạo này đến được với người dân phải có sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội. Thực tế đã chứng minh, công tác phòng, chống thiên tai muốn đạt hiệu quả cao, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng trách nhiệm của người dân; lực lượng tại chỗ là quyết định nhưng cũng cần phải có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang cũng như các địa phương khác.
Trước mắt, các địa phương nằm trong vùng nguy hiểm cần phải di dời dân ngay tới nơi an toàn. Thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu, tôm, các loại thủy hải sản khác, giảm thiệt hại do bão. Tất cả tàu thuyền khi cập bờ tránh bão thì ngư dân phải lên bờ, giao các lực lượng chức năng quản lý phương tiện.
Mặt khác, các cấp, các ngành, địa phương nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi bão số 16 cũng cần có phương án cụ thể để chỉ đạo khắc phục ngay sau bão, không để nhân dân gặp khó khăn, thiếu đói sau bão./.
ĐỖ PHÚ THỌ