Tuy nhiên, sau niềm vui và tự hào của nước chủ nhà, nhiều người đã "lo xa": Liệu các công trình thể thao mới được đầu tư xây dựng, nâng cấp để phục vụ SEA Games 31 có bị lãng phí khi không được sử dụng thường xuyên và hiệu quả như đã từng diễn ra?
 |
Nhà thi đấu huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: PV/Vietnam+ |
Câu trả lời là: Rất có thể! Bởi trước đây, sau một số sự kiện thể thao lớn được tổ chức tại nước ta, như: SEA Games 22 (2003), Đại hội Thể thao trong nhà Châu Á (2009); Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (2016)... đã có tình trạng lãng phí các công trình thể thao. Nếu các địa phương, nhà quản lý không có kế hoạch, phương án vận hành, sử dụng một cách bài bản, khoa học thì các công trình thể thao phục vụ SEA Games 31 vừa qua cũng sẽ không phát huy hiệu quả, dần biến thành những bãi đỗ xe, nhà hàng ăn uống và các dịch vụ không liên quan gì đến hoạt động thể thao, dẫn đến nhanh xuống cấp, hư hỏng, để rồi mỗi khi cần tổ chức sự kiện thi đấu lại phải duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp... rất tốn kém.
Chẳng hạn, Nhà thi đấu thể thao tỉnh Hà Nam được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2014, trên khuôn viên rộng 120ha, với sức chứa hơn 7.000 chỗ ngồi cùng hệ thống trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc tế. Trước khi được đầu tư nâng cấp phục vụ thi đấu môn futsal tại SEA Games 31, nhà thi đấu này đăng cai được một số giải thể thao, còn lại hoạt động cầm chừng, hầu như đóng cửa. Đó là một sự lãng phí.
Một nền thể thao phát triển thì cần có cơ sở vật chất hiện đại. Các công trình thể thao chắc chắn góp phần không nhỏ vào sự nghiệp thể thao, cả thể thao quần chúng cũng như thể thao thành tích cao. Đáng tiếc là thời gian qua, khá nhiều công trình thể thao trong cả nước được đầu tư xây dựng bài bản, có những công trình tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng, nhưng ngoài tổ chức một số sự kiện thì hầu như không phát huy tốt công năng sử dụng, để “đắp chiếu”, trong khi đó người dân lại rất thiếu nơi tập thể dục, thể thao, vui chơi giải trí.
Để chuẩn bị cho SEA Games 31, TP Hà Nội đã đầu tư hơn 600 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp các công trình thể thao; 11 tỉnh, thành phố khác cũng đầu tư số tiền không nhỏ cho việc này. Đông đảo người dân mong rằng, những công trình đó không chỉ để thi thoảng phục vụ những sự kiện thể thao lớn mà cần được tận dụng tối đa công năng một cách thường xuyên, đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục, vui chơi giải trí của người dân cũng như tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa, tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo vận động viên...
Để các công trình thể thao không rơi vào lãng phí thì các nhà quản lý cần có tầm nhìn, quy hoạch, xây dựng khoa học, hợp lý; đồng thời, có cơ chế vận hành và quản lý chuyên nghiệp nhằm khai thác hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, phải kiên quyết chống tư duy vụ lợi, việc gì đem lại nguồn thu cao thì mới phục vụ hoặc chỉ phục vụ các sự kiện lớn mà không phục vụ nhu cầu luyện tập thể thao quần chúng và vui chơi giải trí của nhân dân.
SƠN BÌNH