 |
Sau AIG, Cung thi đấu điền kinh trong nhà Mỹ Đình sẽ được sử dụng như thế nào là điều được nhiều người quan tâm. Ảnh minh họa/Internet.
|
Đại hội Thể thao trong nhà châu Á lần thứ 3 (AIG) là một sự kiện thể thao lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta. Để chuẩn bị cho ngày hội lớn này, 4 năm qua, Nhà nước đã ưu tiên, đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng Cung thi đấu điền kinh trong nhà Mỹ Đình, chỉnh trang lại nhiều cơ sở thi đấu và mới nhất còn ứng một triệu USD để Ban tổ chức nộp cho Hội đồng ô-lim-píc châu Á. Nhờ có sự quan tâm kể trên, cùng những nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp, các địa phương đăng cai, của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch nên sau hai phần ba chặng đường, Đại hội đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Cung thi đấu điền kinh trong nhà Mỹ Đình và các địa điểm thi đấu khác luôn dậy sóng; khâu tổ chức an toàn, chu đáo; thành tích thể thao của nước chủ nhà vượt trội, được bạn bè nể phục… và nếu làm tốt hơn khâu quảng bá, tuyên truyền, thì AIG sẽ còn là chiếc cầu nối đưa khách du lịch đến Việt Nam nhiều hơn.
Song một khía cạnh không kém phần quan trọng mà nhiều người quan tâm là sau AIG, Cung thi đấu điền kinh trong nhà Mỹ Đình bề thế, hiện đại được sử dụng thế nào, hiệu quả đến đâu?
Cách đây 6 năm, để tổ chức SEA Games 22, chúng ta đã xây mới hàng loạt công trình thể thao hiện đại, tiếc rằng sau SEA Games chỉ có số ít công trình được mở cửa phục vụ tập luyện, thi đấu, số còn lại cơ bản hoạt động không hiệu quả. Ví dụ như Khu liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, cơ ngơi khang trang, đẹp mắt thuộc diện hàng đầu của Đông Nam Á lại khá trầm lắng. Ngay cả thời điểm Hà Nội có tới 3 đội bóng tranh tài tại V.League, nhưng chiều thứ bảy, chủ nhật, cửa Sân vận động quốc gia Mỹ Đình cửa đóng, then cài. Ở trung tâm Thủ đô còn như vậy thì nhà thi đấu ở các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ... lại càng khó mở cửa khai thác, sao tránh khỏi lãng phí? Vì thế, ngay từ bây giờ, ngành TDTT cần có kế hoạch sử dụng hiệu quả các công trình thể thao, đặc biệt là Cung thi đấu điền kinh trong nhà Mỹ Đình. Hiện nay, ở nước ta và cả Đông Nam Á chưa tổ chức giải điền kinh trong nhà nên việc tập luyện, thi đấu điền kinh, cơ bản vẫn diễn ra ở ngoài trời. Tổ chức thi đấu các môn thể thao khác ở đây “thu khó bù chi”, bởi địa điểm này không thuận tiện bằng Cung thi đấu Quần Ngựa hay Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức… Trước mắt, cần vận dụng, kết hợp tổ chức nhiều hoạt động khác, chẳng hạn tổ chức các loại hình dịch vụ: Biểu diễn ca nhạc, lễ hội, gặp mặt... để Cung thi đấu điền kinh trong nhà Mỹ Đình luôn sôi động, san sẻ bớt một phần gánh nặng cho Nhà nước trong việc quản lý, bảo dưỡng công trình.
Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn ở nước ta luôn trong tình trạng thiếu cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt cộng đồng, mà nhu cầu rèn luyện sức khỏe ngày một lớn. Sau AIG, cánh cửa Cung thi đấu điền kinh trong nhà Mỹ Đình cần rộng mở, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân được thừa hưởng cơ sở vật chất tốt (tất nhiên có thu phí), tích cực tập luyện TDTT, tạo dựng lối sống lành mạnh, đoàn kết, nhân ái, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đỗ Nam Thắng