Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện thí điểm việc khoán xe công ở một số bộ, ngành, địa phương, những lợi ích về hiệu quả kinh tế, các vấn đề xã hội là rất rõ ràng. Dù vậy, quá trình thực hiện việc khoán xe công vẫn còn những bất cập cần tháo gỡ để chủ trương này được thực hiện rộng rãi.

Trên thế giới, mô hình khoán xe công được nhiều nước thực hiện. Đối với chúng ta, khi tính minh bạch trong xã hội ngày càng được đề cao thì chủ trương khoán xe công sẽ dần trở thành phổ biến. Tính minh bạch công-tư ngày càng là yêu cầu khắt khe của quản trị quốc gia, của tiến bộ xã hội.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Dù vẫn có những quan điểm khác nhau trên thực tế, nhưng xu hướng chung việc thực hiện khoán xe công đối với công chức, viên chức ngày càng được xã hội ủng hộ. Thực hiện chủ trương khoán xe công mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Trước tiên, các cơ quan nhà nước không phải chi một khoản lương hằng tháng cùng các chế độ, chính sách liên quan đến đội ngũ lái xe; thợ sửa chữa. Theo đó, biên chế hay lao động hợp đồng trong từng cơ quan, đơn vị cũng sẽ giảm. Thứ hai, Nhà nước không mất một khoản đầu tư ban đầu khá lớn để mua xe ô tô mới trong điều kiện ngân sách quốc gia còn eo hẹp mà nhu cầu để thực hiện an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo là không hề nhỏ. Bởi nếu tính trên phạm vi rộng thì số tiền để mua xe mới mỗi năm cũng là những con số rất đáng quan tâm. Thứ ba, Nhà nước tiết kiệm được nhiều khoản chi cho xe công, như: Xăng xe, bảo hiểm, đăng kiểm, bảo dưỡng, sửa chữa và nhiều chi phí liên quan. Đặc biệt, điều rất quan trọng là việc khoán xe công tạo minh bạch trong sử dụng tài sản công, hạn chế tình trạng lạm dụng xe công vụ vào mục đích cá nhân.

Theo thống kê, đến giữa năm 2018, có khoảng 20 bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã thực hiện thí điểm khoán xe công. Những lợi ích ban đầu là dễ nhìn thấy và có thể cân đo đong đếm được. Chỉ riêng TP Hà Nội, theo báo cáo kết quả thí điểm thực hiện khoán xe công tại 8 đơn vị (các sở, quận, huyện) sau gần 3 năm thực hiện (tính từ ngày 1-3-2017), trong 34 tháng qua, các đơn vị thí điểm tiết kiệm được gần 300 triệu đồng mỗi tháng. Trước năm 2016, chi phí bình quân sử dụng xe phục vụ công tác chung tại các cơ quan trên là gần 700 triệu đồng/tháng. Sau khi thí điểm, chi phí khoán bình quân một tháng của các đơn vị này là gần 400 triệu đồng/tháng.

Dẫu có rất nhiều thuận lợi, nhưng không phải ngành nào, vị trí công tác nào việc thực hiện khoán xe công cũng đều mang lại hiệu quả, nhất là đối với những lĩnh vực trọng yếu trong đời sống xã hội. Mặt khác, việc thực hiện chủ trương khoán xe công có thể mang lại những lợi ích kinh tế, giảm áp lực trong tổ chức biên chế, nhưng đối với thực tế hạ tầng giao thông hiện nay, nhất là ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng là bài toán không hề dễ trong việc quản lý phương tiện cá nhân và phát huy hiệu quả các phương tiện công cộng. Vì vậy, đi đôi với việc tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, từng bước bổ sung hệ thống chính sách trong thực hiện chủ trương khoán xe công, các cơ quan chức năng, nhất là ngành giao thông vận tải, chính quyền các địa phương cần sớm có giải pháp trong việc tổ chức và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, bảo đảm thuận tiện. Hiệu quả việc thực hiện chủ trương khoán xe công không chỉ phụ thuộc vào quyết tâm của lãnh đạo mỗi bộ, ngành, địa phương mà còn nằm ở các yếu tố về hạ tầng giao thông và sự thuận tiện trong sử dụng các phương tiện công cộng. Cùng với đó, cũng không thể phủ nhận văn hóa lâu nay, nhiều cán bộ, viên chức đã quen với việc có xe công đưa đón. Bởi thế, thay đổi nét văn hóa này cũng phải từng bước và quan trọng nhất là khuyến khích được mọi người tự giác thực hiện.

NGUYỄN HÀ MY