Nhận thấy nhiều ý kiến trái chiều từ phía nhân dân về vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có chỉ đạo dừng kế hoạch xây dựng, để dành ngân sách cho các dự án cấp bách, phục vụ cho mục đích an sinh xã hội. Chỉ đạo kịp thời này nhận được nhiều sự hoan nghênh, ủng hộ từ dư luận xã hội; đồng thời thể hiện tinh thần lắng nghe, cầu thị của lãnh đạo địa phương.

Sông Maspero, đoạn qua trung tâm TP Sóc Trăng. Ảnh: thanhnien.vn

Trên thực tế, so với nhiều địa phương trong vùng và cả nước, Sóc Trăng vẫn là tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân còn không ít khó khăn. Nhiều ý kiến bày tỏ, với 15 tỷ đồng sẽ hỗ trợ được rất nhiều hộ nghèo, xây dựng được nhiều công trình dân sinh, hay các dự án an sinh xã hội... Khi tỉnh còn đang thiếu nhiều nguồn lực để phát triển thì việc xây dựng những công trình như trên là rất lãng phí, không thiết thực. Hơn nữa, sự phát triển của địa phương phản ánh thông qua chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng cao, an sinh xã hội được bảo đảm. Khát vọng đưa địa phương vươn mình phát triển thịnh vượng phải được thể hiện và khẳng định bằng những đề án, chương trình hành động cụ thể, được nhân dân đồng thuận, góp sức ủng hộ chứ không phải qua những công trình to, đẹp, bề thế... nhưng lòng dân không thuận. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần nhắc nhở đội ngũ cán bộ cách mạng phải luôn lắng nghe một cách chân thành và nghiêm túc tiếng nói từ bên dưới, mới có thể nhận được những thông tin phản hồi chính xác để điều chỉnh và sửa sai nhằm hoàn thiện chủ trương, đường lối, chương trình, kế hoạch. Người cán bộ chỉ thích nghe những lời hay, ý đẹp, không muốn nghe những lời trái ý mình sẽ dẫn đến quan liêu, vô cảm trước những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, dẫn đến xa dân và trở thành những ông “quan cách mạng”.

Trên tinh thần ấy, lắng nghe ý kiến nhân dân và tham vấn ý kiến phản biện chính sách của các chuyên gia, nhà khoa học vừa là nhu cầu rất cần thiết, vừa là yêu cầu từ thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong nhiều nhiệm kỳ qua. Tại phiên họp Chính phủ (ngày 15-4-2021) sau khi Quốc hội kiện toàn nhân sự Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh và khẳng định rất rõ: “Từng thành viên Chính phủ phải gương mẫu, thực sự khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện”. Đây vừa là yêu cầu, vừa là lời nhắc nhở của người đứng đầu Chính phủ gửi tới các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương trong quá trình chỉ đạo, điều hành phải biết lắng nghe nhân dân thật chân thành và nghiêm túc. Thực tế cho thấy, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đã thực sự lan tỏa và từng bước được thực thi ở các cấp, thể hiện sự tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; vừa phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành cũng như xác định đường hướng phát triển cho đất nước, cho từng ngành và từng địa phương.

Cán bộ là công bộc của dân, nên việc chân thành lắng nghe và cầu thị tiếp thu ý kiến của nhân dân vừa thể hiện phẩm chất khiêm nhường của người cán bộ cách mạng; đồng thời vừa góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính phục vụ nhân dân. Hay nói cách khác, đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp phải làm sao thực hiện cho được “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; qua đó củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

MINH MẠNH