Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT), đã có một số công trình liên quan tới CSDL được cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thực hiện, mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, đại đa số công trình chưa được số hóa, chưa được liên kết trong một mạng lưới dữ liệu VHNT đủ tin cậy. Chẳng hạn, để tìm hiểu di sản Hán Nôm của cha ông, công trình kinh điển “Di sản Hán Nôm Việt Nam-Thư mục đề yếu” (PGS Trần Nghĩa) luôn được xem là sách “gối đầu giường”, thế nhưng số lượng xuất bản rất ít, chủ yếu nằm trong thư viện. Nếu không có sách trong tay, muốn tra cứu chỉ có cách lên thư viện lục tìm. Bởi vậy, nếu dữ liệu của công trình này được số hóa sẽ thuận lợi cho bao người dùng.  

Ảnh minh họa: baochinhphu.vn.

Tin vui là Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu, xây dựng CSDL và công bố tác phẩm VHNT Việt Nam trên nền tảng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Chương trình kéo dài trong 5 năm (2020-2025) đặt mục tiêu xuất bản các công trình VHNT trong giai đoạn từ thế kỷ 10 đến năm 1945 dưới dạng sách in, sách 3D; xây dựng đầu mục dữ liệu số và phim tài liệu; tạo lập hệ thống phần mềm để lưu trữ, quản lý các sản phẩm... Tính thiết thực của chương trình đã thấy rõ, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Chính phủ đối với VHNT nước nhà, rộng ra là hướng đến mục tiêu xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân. Khác với các công trình xây dựng CSDL xuất bản dưới dạng sách in truyền thống, chương trình lần này được xây dựng với trọng tâm phù hợp xu thế số hóa hiện đại, nhất là khi người dùng internet ở Việt Nam chiếm 70% dân số.

Xét về đối tượng hẹp là các văn nghệ sĩ, chương trình sẽ cung cấp tài liệu học tập, nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác, nghiên cứu VHNT. Tìm hiểu quá trình sáng tạo của các văn nghệ sĩ tên tuổi, có thể nhận thấy họ đều là những người tự học một cách bền bỉ. Các nhạc sĩ thật khó có lời ca hay nếu không am tường văn chương; nhà văn tả cảnh sẽ thiếu sinh động nếu không sành hội họa. Bên cạnh đó, chương trình còn là một kênh mới để công bố tác phẩm giá trị, giành nhiều giải thưởng một cách nhanh chóng, tin cậy, kịp thời, bổ sung cho kênh xuất bản truyền thống.

Hẳn nhiều người quan tâm chương trình thiết thực như vậy sẽ được triển khai thế nào? Trước đây, có không ít dự án, chương trình in ấn xuất bản đã lựa chọn những tác phẩm quá nổi tiếng, bán chạy, được tái bản nhiều lần; như vậy là chồng chéo, lãng phí nguồn lực. Cho nên, Ban chỉ đạo, Ban quản lý và Hội đồng thẩm định chương trình này cần lưu tâm, ưu tiên những tác phẩm giá trị vì nhiều lý do mà chưa được tái bản, tác phẩm khó thương mại hóa. 

Điều băn khoăn khác là các sản phẩm của chương trình này liệu có giống như một số chương trình, dự án trước đây "hoàn tất rồi... đắp chiếu”, hạn chế phổ biến hay không? Sẽ là nghịch lý nếu một chương trình xây dựng trên nền tảng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, số hóa hiện đại nhưng chỉ có một số ít cá nhân, tổ chức được quyền truy cập. Có thể để khai thác các sản phẩm của chương trình, người dùng sẽ phải trả phí nhưng cần phải làm thật tốt công tác quảng bá, hạn chế những “rào cản kỹ thuật” để người dân trong và ngoài nước biết đến, sử dụng thường xuyên.   

Chung quy, nội dung chương trình đề ra có hấp dẫn bao nhiêu nhưng quan trọng vẫn là chất lượng sản phẩm, hiệu quả tác động đến đối tượng sử dụng. Như thế, ngân sách nhà nước vốn đã không có nhiều cho VHNT sẽ được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí.

HÀM ĐAN