Mở đầu buổi gặp mặt, đại diện chỉ huy đơn vị thông báo tóm tắt tình hình sau một tháng huấn luyện của các chiến sĩ, trong đó có con trai của bạn tôi. Hóa ra sau hơn một tháng học tập, rèn luyện, các chiến sĩ mới của đơn vị đều khỏe mạnh, rắn rỏi, có tác phong nhanh nhẹn, đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị… Cũng tại buổi gặp mặt này, nhiều bậc cha, mẹ và đại diện gia đình của các chiến sĩ mới đã thực sự xúc động khi thấy con em mình có tiến bộ hẳn so với trước khi nhập ngũ. Mừng với sự tiến bộ của các chiến sĩ mới, các gia đình quyết tâm kết nối với đơn vị, tạo điều kiện để con em mình được học tập, rèn luyện và trưởng thành...

Chỉ huy các đơn vị đều đã quan tâm nhiều hơn đến hậu phương của cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là đối với chiến sĩ mới. Nguồn: qdnd.vn 
Ghi nhận tại nhiều đơn vị trong toàn quân, chúng tôi được biết, những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đều đã quan tâm nhiều hơn đến hậu phương của cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là đối với chiến sĩ mới. Nhiều đơn vị còn xây dựng kế hoạch riêng cho công tác này và giao cho cán bộ chính trị phụ trách thực hiện chu đáo, có nền nếp. Công tác hậu phương chiến sĩ đã được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú như: Mời gia đình đến gặp mặt và thăm con em mình tại đơn vị; ra chỉ tiêu thi đua, chọn chiến sĩ có thành tích tốt để đơn vị trực tiếp mời thân nhân đến thăm; bố trí cán bộ tiếp đón thân nhân chiến sĩ khi họ đến thăm đơn vị; viết thư trao đổi với gia đình chiến sĩ mới để thông báo tình hình, hoặc cho chiến sĩ mượn điện thoại gọi về thăm hỏi, thông báo tình hình với gia đình trong giờ nghỉ, ngày nghỉ… Chỉ huy một số đơn vị đã khẳng định, từ khi đơn vị quan tâm tới công tác hậu phương chiến sĩ nhiều hơn thì tình trạng chiến sĩ mới bỏ ngũ, hoặc vi phạm kỷ luật giảm hẳn. Chẳng hạn như ở Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), mặc dù quản lý hàng nghìn chiến sĩ mới, nhưng từ đầu năm đến nay, không có một chiến sĩ nào bỏ ngũ...

 

Hiện nay mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai người con. Do vậy mà khi có con em đi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhiều gia đình không tránh khỏi lo lắng, nhớ mong. Nhiều phụ huynh cũng tỏ ra băn khoăn vì con em mình chưa bao giờ sống xa gia đình, không biết có hòa nhập được với môi trường tập thể hay không. Mặt khác, theo quy định của quân đội, các chiến sĩ không được sử dụng điện thoại di động trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, do đó việc liên lạc giữa chiến sĩ với gia đình cũng sẽ có phần bị hạn chế. Vì thế, trong quá trình quản lý, huấn luyện, nếu chỉ huy các đơn vị không quan tâm, sâu sát thì bộ đội dễ nảy sinh tư tưởng tiêu cực và dẫn đến vi phạm các quy định của đơn vị... Do đó, cùng với việc động viên tư tưởng, giáo dục nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho chiến sĩ, chỉ huy các đơn vị cần thường xuyên gần gũi bộ đội, tạo sợi dây kết nối giữa chiến sĩ với gia đình và duy trì cho sự kết nối ấy được thường xuyên, liên tục. Người chỉ huy cần phải làm cho các chiến sĩ không cảm thấy bị cô đơn, xa lạ trong một tập thể lớn và phải làm cho họ thấy đơn vị thực sự là gia đình thứ hai của mình. Việc tổ chức những cuộc gặp mặt giữa gia đình chiến sĩ và chỉ huy đơn vị là rất cần thiết, bởi đó là nhịp cầu nối giữa hậu phương chiến sĩ với các đơn vị quân đội, đồng thời cũng là dịp để các bậc cha, mẹ của chiến sĩ trực tiếp động viên, khích lệ con em mình thêm yên tâm công tác, tận tâm, tận lực thực hiện nhiệm vụ.

MAI CHU ANH