Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì đã rõ, nhưng xem xét lại, các địa phương và ngành chức năng nhận thấy một trong những yếu tố khiến trái cây ĐBSCL gặp khó khăn trong xuất khẩu suốt nhiều năm qua là do phần lớn các vùng sản xuất chưa được cấp mã số vùng trồng (MSVT) để nếu cần, có thể truy xuất nguồn gốc, tình hình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Việc quản lý, cấp MSVT được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên ngành tại các tỉnh, thành phố thực hiện, trên cơ sở tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt của doanh nghiệp hoặc quốc gia nhập khẩu.

Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, nơi cung cấp phần lớn giá trị hàng hóa nông sản cho xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh minh họa: Tạp chí Cộng sản.

Theo số liệu của ngành chức năng, hiện nay, ĐBSCL có số lượng vùng trồng được cấp mã số lớn nhất, chiếm hơn 36% (1.258 mã) tổng mã số đã cấp trên toàn quốc. MSVT được cấp tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An. Tuy nhiên, nếu so sánh mỗi MSVT tương ứng với khoảng 6-10ha thì số lượng vùng trồng được cấp mã số vẫn còn khiêm tốn so với tổng diện tích khoảng 300.000ha trồng cây ăn trái của ĐBSCL. Là địa bàn trọng điểm trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trái cây (chiếm đến 60% sản lượng của cả nước) nhưng có một thời gian dài, các địa phương ở ĐBSCL chưa thật sự quan tâm xây dựng vùng trồng đạt yêu cầu cấp mã số mà chỉ chú trọng mở rộng quy mô, diện tích sản xuất. Cùng với đó, tập quán canh tác tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư của người nông dân cũng chưa phù hợp cho việc cấp MSVT.

MSVT (cùng với cơ sở đóng gói được cấp mã số) được ví như tấm “hộ chiếu” cho nông sản xuất khẩu. Ở thị trường nội địa, sản phẩm có MSVT cũng là lợi thế để các hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi tiếp nhận. Thế nhưng ở ĐBSCL, tình trạng mạo danh MSVT, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Liên quan đến vấn đề này, nhiều hợp tác xã bị mạo danh MSVT, gây nên hàng hóa xuất khẩu bị các đối tác trả về, đây không chỉ là lợi ích kinh tế của người trồng nông sản và phía hợp tác xã, địa phương bị ảnh hưởng mà uy tín của hàng hóa nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng bị liên đới, có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu.

ĐBSCL được mệnh danh là " vựa" của các loại nông sản, là thế mạnh về sản xuất đa chủng loại trái cây... Tuy nhiên, nếu không có những biện pháp thích hợp, trong đó có cấp MSVT thì nguy cơ thế mạnh trở thành... điểm yếu. Để thế mạnh ấy ngày càng vươn xa, các địa phương vùng ĐBSCL cần có sự chủ động liên kết, phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, giám sát và quản lý MSVT trên địa bàn quản lý; tham gia tích cực trong việc giải quyết các thông báo không tuân thủ của nước nhập khẩu liên quan đến vùng trồng, MSVT trên địa bàn quản lý.

HỒNG BỈNH HIẾU