QĐND Online- Vụ án tại Thẩm mỹ viện Cát Tường tiếp tục “tràn” khi nó giống can xăng đổ vào “vết đen y đức” như đống lửa đang rừng rực cháy!
Không ai có thể biện minh cho hành vi tội ác ấy của một người là bác sĩ có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, cứu người.
Không ai ủng hộ cho hành vi “nhân bản” kết quả xét nghiệm diễn ra ở Bệnh viện huyện Hoài Đức (Hà Nội) trước đó.
Không ai có thể không đau lòng, tiếc thương cho số phận ngắn ngủi của các em bé vừa lọt lòng đã phải ra đi vì những mũi tiêm phòng thiếu trách nhiệm của các thầy thuốc tại một số cơ sở y tế.
Không ai trong chúng ta có thể yên lòng trước những hành vi vô cảm của một bộ phận các thầy thuốc làm trái với lương tâm nghề nghiệp, gây bức xúc trong dư luận khi họ thực thi công việc.
Căm phẫn, bức xúc, xót xa, lên án là cần thiết, là đúng nhưng xin hãy thật công bằng, công tâm, đừng “vơ đũa cả nắm”!
 |
Ảnh minh họa |
Nghề y là một trong những nghề cao quý nhất trong xã hội-cái nghề “cứu một người phúc đẳng hà sa”. Trọng trách của người làm nghề thầy thuốc rất lớn, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của từng con người và rộng ra là của toàn xã hội. Công bằng để nói, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại và nỗ lực chung không mệt mỏi của các thầy thuốc là rất đáng trân trọng. Biết bao nhiêu bệnh nhân đã được điều trị, chăm sóc, bảo vệ tốt sức khỏe để tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ cho xã hội, cho gia đình. Biết bao nhiêu trường hợp cụ thể gặp bệnh trọng, tai nạn rủi do mà lúc đó, tính mạng của họ thực như “ngàn cân treo sợi tóc” đã được cứu sống? trở về giống như được “sinh ra lần thứ hai”?
Tôi không có ý lấp liếm, nhưng, có bao em bé mới sinh ra đã gặp bệnh tật hiểm nghèo, tim chung, ngực dính; có bao vụ nạn nhân bị tai nạn giao thông, não dập, gan vỡ, lách rơi…mười phần chết, một phần sống đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ sự tận tâm cứu chữa của các thầy thuốc…
Y đức như một tảng băng! Hình ảnh so sánh ấy đúng. Phần “làm được” thì nằm chìm dưới, phần chưa được nổi lên, dễ để nhìn thấy, đánh giá, bàn luận. Chỉ có điều, khi “đánh giá” thì rất cần sự công tâm.
Làm nghề gì thì cũng cần có đạo đức. Nghề y trị bệnh cứu người, nghề đặc biệt thì đạo đức càng phải được coi trọng. Xã hội giao trọng trách cao cả cho nghề ấy, chọn nghề ấy thì mỗi người theo nghề cần phải liên tục trau dồi, rèn luyện, tích lũy y đức. Bên cạnh đó, Bộ chủ quản, các cơ quan có trách nhiệm cần có biện pháp phù hợp để nhân điều tốt, xóa điều xấu. Xã hội chúng ta cũng phải thật công tâm, khen-chê đúng người, đúng tội, đúng lúc, đúng mức độ. Đừng để các thầy thuốc chân chính đau lòng, bị hàm oan mà nản tâm, nhụt ý chí.
NGÔ ANH THU