Thảo luận về dự án luật này, nhiều đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh tới việc cần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân khi thu hồi đất. Trong đó, vấn đề phân chia địa tô chênh lệch hợp lý hơn cho người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng các khu đô thị nhận được sự quan tâm rất lớn của đại biểu. Theo các đại biểu, đất nông nghiệp được thu hồi trong những trường hợp này có giá rất rẻ, nhưng sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở, đất khu đô thị thì giá trị tăng lên gấp hàng chục lần. Phần địa tô chênh lệch rất lớn này chủ yếu do doanh nghiệp được hưởng, phân chia chưa thực sự hợp lý đã tạo ra những cuộc khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Đây là điểm bất hợp lý, cần phải sửa đổi, bổ sung chính sách phân chia địa tô chênh lệch hợp lý hơn. Điều này là đúng và rất cần thiết.

Mở rộng hoặc làm mới đường giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại cũng cần có phương thức phân chia địa tô chênh lệch hợp lý hơn với những lô đất “sau một đêm bỗng thành nhà đất mặt đường” để bảo đảm công bằng.

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" nêu rõ yêu cầu: “Quy định cụ thể việc khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chính sách ưu tiên cho người có đất ở bị thu hồi đất được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng theo quy định của pháp luật”.

Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất trình Quốc hội xem xét, các quy định về thu hồi đất chưa thấy bổ sung trường hợp thu hồi đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng để “khai thác hiệu quả” như yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Thực tế, một số quốc gia đã áp dụng hình thức khi thu hồi đất mở rộng hoặc làm mới đường giao thông thì thu hồi mở rộng sang hai bên để xây dựng đồng bộ các công trình hai bên đường. Như vậy vừa bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; trật tự và thông thoáng vỉa hè; bảo đảm mỹ quan đô thị do các công trình hai bên đường được thiết kế, xây dựng theo đúng quy hoạch, vừa có thêm nguồn lực rất lớn từ việc đấu thầu quyền sử dụng quỹ đất hai bên đường để quay lại phục vụ cho chính các dự án phát triển giao thông. Phần địa tô chênh lệch được sử dụng để đầu tư lại cho phát triển giao thông, phục vụ lợi ích chung của mọi người dân là cách hợp lý nhất để bảo đảm công bằng.

Đây là kinh nghiệm quý mà chúng ta có thể nghiên cứu để áp dụng. Làm được điều này, đồng thời cũng chấm dứt được tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo đang khiến nhiều địa phương “đau đầu” tìm cách giải quyết như hiện nay...

CHIẾN THẮNG