 |
Sư tử đá nước ngoài trước cửa đình Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Tuổi trẻ. |
QĐND - Hiện tượng con sư tử đá cùng các vật phẩm xa lạ với văn hóa tâm linh, văn hóa trang trí dân tộc được đưa vào các di tích, nơi thờ tự... không còn là đơn lẻ mà đã diễn ra tràn lan. Đó là lý do sự lo lắng, bức xúc trong xã hội đã dấy lên từ nhiều năm qua và càng tăng lên khi Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch có công văn đề nghị và khuyến cáo không trưng bày, sử dụng và cần tháo dỡ các biểu tượng, linh vật và các vật phẩm lạ này.
Sự đồng thuận giữa dư luận với cơ quan quản lý nhà nước trong sự việc này không chỉ phản ánh sự nhạy cảm về văn hóa và thời cuộc mà sâu rộng hơn còn thể hiện niềm tự hào và ước muốn làm trong sáng, phát huy bản sắc dân tộc trong quá trình đất nước đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Và vì vậy, hiện tượng sư tử đá ngoại lai xa lạ cần được nhìn nhận trong bối cảnh rộng hơn cả về tác động đáng lo ngại của sự việc lẫn nguyên nhân và cách thức phòng ngừa, loại bỏ.
Chúng ta đã nói về những nguy cơ pha loãng, áp đặt văn hóa và cả xâm lăng văn hóa. Đó chẳng phải là những điều xa xôi, to tát khi những làn sóng văn hóa đủ kiểu từ thông tin, tuyên truyền đa chiều xuyên tạc, bóp méo sự thật của đất nước, con người đến sự xâm nhập của rất nhiều hoạt động, sản phẩm văn hóa phi vật thể như nghe-nhìn, đọc, trong đó có những bản đồ, tranh vẽ sai lệch hay vật thể như sư tử đá, đèn lồng... Những làn sóng ấy khi ồ ạt "tự nhiên", khi len lỏi "vô tình" theo thời gian tràn ngập, lấn lướt các xu thế văn hóa nội sinh, truyền thống. Chúng ta hiểu trong một thế giới toàn cầu hóa, sự giao lưu, trao đổi văn hóa là đương nhiên và ngày càng phát triển, song sự xâm lấn bởi những linh vật, vật phẩm văn hóa vào tận những di tích lịch sử, nơi thờ tự thâm nghiêm, linh thiêng căn cốt dân tộc hay các tụ điểm công cộng-bộ mặt quốc gia thì đã đụng chạm, xâm hại đến tầng sâu thẳm của nền tảng văn hóa, máu mủ, hồn vía và đức tin con người.
Chúng ta đã từng xấu hổ và nhói đau vì những hoạt động, hành vi sính ngoại, vọng ngoại trong cuộc sống hằng ngày hay ngay trên sàn diễn, phim ảnh, sản phẩm đọc hay nghe-nhìn. Chúng ta cũng từng dị ứng với những phong trào treo đèn lồng ngoại cả phố, chị em đua nhau mặc áo xường xám, người người treo và tặng nhau những bức tranh, ảnh cảnh vật hay con người xa lạ, phản cảm rẻ tiền... Còn nhiều nhiều những thói quen xấu, những căn bệnh đua theo phong trào, lễ bái, cúng tiến, hiến tặng quá mức. Bệnh phong trào ấy trong văn hóa đều có xuất phát từ sự thiếu hiểu biết cùng sự cơ hội, thực dụng.
Bây giờ, đi thăm di tích lịch sử, văn hóa hay các đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ ai cũng muốn hiểu biết rõ lịch sử, ý nghĩa của từng nơi nhưng mấy người được nghe giảng giải cho rõ, mấy người được đọc sách hay tài liệu chính xác, nắm được phật pháp, giáo lý, mấy người đọc được chữ nho trên đại tự, hoành phi, câu đối. Ngay người làm văn hóa, người trông coi di tích hay nơi thờ tự cũng chẳng phải ai cũng hiểu biết đầy đủ, cặn kẽ. Ấy là chưa kể các chủ nhân nhiều nơi thường nói quá về sự cổ kính hay linh ứng nơi thờ tự của mình.
Sự thiếu hiểu biết và sự huyễn hoặc đã làm cho một số người nhẹ dạ cả tin dễ bị ngộ nhận cả về lịch sử và tâm linh, thẩm mỹ; sai lệch trong hành vi lễ bái, cúng tiến. Việc yêu cầu, đề nghị hay khuyến cáo không trưng bày, sử dụng, cúng tiến, hiến tặng các linh vật, vật phẩm cần phải đi cùng việc phổ biến, truyền thụ tri thức. Có di tích nào, nơi thờ tự nào không có hồ sơ, lai lịch nằm ở các địa phương, rất nên soạn thảo thành những văn bản gọn, rõ để giới thiệu cho công chúng, người đi lễ như nhiều nơi đã làm. Và việc này nên trở thành quy định.
Chúng ta không bài ngoại nhưng chúng ta phải chọn lọc, phải có tri thức làm cơ sở cho niềm tự hào và sức mạnh phát huy bản sắc truyền thống dân tộc. Ý thức về nguồn cội, về chủ động tự vệ văn hóa vốn sẵn có trong dân ta, điều này cần được khơi dậy, phát huy. Những vị anh hùng dân tộc, những người có công lớn với nước, những vị thần thánh bảo hộ đã được nhân dân ta tôn vinh, tôn thờ trong quá khứ và hiện tại. Những cột mốc văn hóa đã được dựng lên nơi biên giới, hải đảo; những đình, đền, chùa, miếu ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang cho đến Kiên Giang, Cà Mau...; những ngôi chùa Việt đã được bà con Việt kiều dựng ở những nơi cư ngụ xa xôi... Bản sắc Việt, sự thuần Việt phải được gìn giữ, bảo vệ bởi tấm lòng, bản lĩnh Việt.
MẠNH HÙNG