Tuy nhiên hiện nay, doanh nghiệp tư nhân, các hộ kinh doanh cá thể vẫn kêu còn gặp không ít khó khăn do cách thức quản lý của các bộ, ngành, địa phương, tức là những khó khăn từ các lĩnh vực quản lý, từ cấp cơ sở. Như thế là đang tồn tại một khoảng cách giữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và hiệu quả thực thi trên thực tế; có một khoảng cách giữa quyết tâm, chỉ đạo ở cấp Trung ương, của Chính phủ với cách hành xử của địa phương đối với kinh tế tư nhân.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa/TTXVN.
Khó khăn của kinh tế tư nhân do quản lý từ cấp cơ sở được biểu hiện ở các khía cạnh chủ yếu, như: Thứ nhất, môi trường kinh doanh ở một số địa phương còn chưa sòng phẳng, thiếu minh bạch (các dự án tốt được ưu tiên cho các doanh nghiệp thân hữu với lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp tốt hơn cũng khó tiếp cận). Thứ hai, phải tốn kém cho chi phí không chính thức (theo nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tới 11% doanh nghiệp tư nhân được hỏi cho biết, chi phí không chính thức chiếm hơn 10% tổng doanh thu của họ, thực tế có thể còn lớn hơn). Thứ ba, bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều, trở thành gánh nặng, có doanh nghiệp kêu bị thanh tra, kiểm tra tới hàng chục lần/năm, mặc dù hoàn toàn không có dấu hiệu vi phạm (đây cũng là yếu tố buộc doanh nghiệp phải chi các khoản không chính thức). Thứ tư là chính sách quản lý của bộ, ngành, địa phương thường thay đổi đột ngột nên gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạch định chiến lược kinh doanh dài hạn. Thứ năm là khó tiếp cận vốn vay.

Tại sao kinh tế tư nhân còn gặp khó nhiều ở cấp cơ sở như vậy? Đó là dường như vẫn còn tâm lý chưa thật tin tưởng vào kinh tế tư nhân. Đó còn là bởi lợi ích của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, của cán bộ, công chức bộ, ngành, địa phương chưa gắn chặt với việc tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi cho kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ những cá nhân trong bộ máy quản lý còn tìm mọi cách để hoạnh họe, vòi vĩnh hòng bắt doanh nghiệp phải chi các khoản không chính thức nếu muốn được việc. Hơn 97% doanh nghiệp tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ, “thấp cổ bé họng” nên dễ bị bắt nạt, ít có cơ hội tiếp xúc trực tiếp để “kêu” lên cấp cao, hoặc sợ bị thù dai “không phải đầu, cũng phải tai” nên có uất ức cũng không dám “kêu”.

Về lâu dài, những biểu hiện tiêu cực nói trên trong cách ứng xử với doanh nghiệp tư nhân nếu không có những biện pháp hữu hiệu để kịp thời chấn chỉnh sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế, như: Làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh; gây mất niềm tin trong xã hội.

Chính phủ đã nhìn rõ những vấn đề nêu trên, thể hiện qua các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp vừa qua. Đó là, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; loại bỏ sự chồng chéo trong quản lý, mâu thuẫn trong các chính sách; phải thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp; nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm, mỗi năm chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần. Thủ tướng nhấn mạnh “năm nay là năm giảm phí cho doanh nghiệp”... Thủ tướng chỉ rõ trách nhiệm của bí thư, chủ tịch UBND các địa phương, bộ trưởng, trưởng ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ nói trên.

Như thế, phương thuốc để trị căn bệnh “hành” doanh nghiệp tư nhân đã được chỉ khá rõ. Trong đó, có lẽ phương thuốc quan trọng nhất là áp chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thật quyết liệt với các bộ, ngành, địa phương. Nếu không đạt chỉ tiêu thì nên cương quyết điều chuyển, thay thế cán bộ. Chính yêu cầu từ việc phải đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao sẽ buộc lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực ở mức cao nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân phát triển, dẹp bỏ những nhiễu nhương trong hệ thống, vì sinh mệnh chính trị của họ gắn chặt với chỉ tiêu ấy.

HỒ QUANG PHƯƠNG