Trước đây, trong xã hội thuần nông, con người quanh năm tảo tần với công việc đồng áng, gắn bó với gia đình, với cộng đồng làng xóm, ít có điều kiện giao tiếp với bên ngoài, nên việc giữ gìn “trong ấm ngoài êm” diễn ra suôn sẻ. Thời ấy, tuy gian khó về vật chất, nhưng con người dễ có được những tháng ngày đầm ấm, thảnh thơi, hạnh phúc bên ông bà, cha mẹ, con cái. Mái ấm gia đình thực sự trở thành chỗ dựa vững vàng nhất của mỗi đời người. Và gia đình cũng chính là nơi đồng cảm, sẻ chia mọi đắng cay, ngọt bùi của mỗi con người.
Khoảng hai thập niên trở lại đây, thời đại công nghệ thông tin mang lại cho con người những tiện ích vô cùng lớn lao, nhưng cũng đang đặt ra không ít thách thức trong việc bảo tồn những bản tính tốt đẹp của mỗi cộng đồng dân tộc nói chung, của mỗi gia đình và cá nhân nói riêng. Trong đó, đáng nói nhất là “cái tôi” vị kỷ đang có xu hướng gia tăng. Không ít bậc làm cha, làm mẹ và cả những người con đang tự cho mình cái quyền riêng tư cao hơn trách nhiệm chung tay góp sức chăm lo, vun đắp tổ ấm gia đình. Trước sự “mê hoặc” của công nghệ số, ở nhiều gia đình trẻ hiện nay, không khó để bắt gặp những hình ảnh ông bố “dán mắt” vào chiếc ti vi xem bóng đá; bà mẹ say sưa tán gẫu với bạn bè trên facebook, còn đứa trẻ bị cuốn vào những trò chơi vui nhộn trên màn hình smartphone. Bên cạnh đó, một phần do ngại đụng chạm việc bếp núc, phần khác vì mải chạy theo lối sống thời thượng, nhiều gia đình trẻ ở các đô thị thường xuyên tổ chức ăn uống tại các nhà hàng, khách sạn. Bởi thế, góc bếp trong ngôi nhà của họ trở nên yên ắng, đìu hiu, ít có bàn tay chăm chút của người phụ nữ.
Không ngẫu nhiên mà mấy năm gần đây, ngành Văn hóa phát động phong trào “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” trong Ngày Gia đình Việt Nam 28-6. Bữa cơm gia đình lúc này không thuần túy chỉ là những món ăn vật chất để nuôi sống con người, mà sâu xa hơn, còn là để nhen lên ngọn lửa yêu thương, gắn kết tình sâu nghĩa nặng giữa các thành viên trong một mái nhà. Từ việc duy trì tổ chức bữa cơm hằng ngày, người chồng có cơ hội thêm hiểu và cùng sẻ chia, gánh vác công việc nội trợ với người vợ; con cái biết trân trọng hơn sự nâng niu của mẹ cha dành cho mình qua mỗi bát cơm dẻo canh ngon. Thường xuyên thiếu vắng những bữa cơm gia đình, ngọn lửa yêu thương trong mỗi mái nhà sẽ dần nguội lạnh, do vậy, niềm tin vào những giá trị hạnh phúc của vợ chồng, con cái cũng khó được hài hòa, bền vững.
Ti vi kết nối internet, máy tính bảng, điện thoại thông minh… là sản phẩm của văn minh vật chất trong xã hội hiện đại, có thể giúp con người “rút ngắn không gian, nối liền khoảng cách” với mọi nơi trên hành tinh và làm cho “cả thế giới trong tầm tay của mình”. Trong tương lai gần, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển sâu sộng, internet kết nối vạn vật xuất hiện thì con người chắc chắn có một cuộc sống vô cùng tiện lợi. Nhưng dù có xuất hiện nhiều đồ dùng, tiện nghi sinh hoạt “siêu tối tân” đến đâu, thì cái nồi, cái niêu, cái soong, cái chảo, cái bát, đôi đũa… vẫn không hề mất đi vai trò, tác dụng của nó. Bởi những vật dụng đó trong góc bếp của mỗi căn nhà nếu được sử dụng thường xuyên sẽ như những nhịp cầu kết nối yêu thương, sẻ chia ấm áp, làm tăng thêm vị ngọt, giảm bớt nỗi niềm cay đắng cho từng thành viên trong gia đình trước bao áp lực vô hình của xã hội hiện đại. Nếu ai không thấm thía điều đó là tự mình đang đánh mất những điều bình dị mà ý nghĩa trong cuộc sống hằng ngày.
THIỆN VĂN