Có những nhóm hẹn nhau “tỉ thí” ở công viên, hè đường... Có nhóm học sinh mới lớp 7, lớp 8 rủ “băng đảng” ngoài trường đánh hội đồng bạn cùng lớp. Ở mức nhẹ hơn là những nhóm bạn cùng lớp nhưng cả năm học không trò chuyện cùng nhau…

Nguyên nhân sinh ra mâu thuẫn trong học sinh giờ cũng lắm. Có mâu thuẫn từ chuyện bạn nói với thầy cô việc mất trật tự trong lớp, vi phạm kỷ luật học tập. Có mâu thuẫn từ được thua trong cá cược bóng đá, từ việc yêu thích nhóm nhạc, ca sĩ khác nhau, từ việc bạn hay khoe mẽ, tỏ ra mình sành điệu... Nhiều thứ xích mích, ganh tỵ và ganh ghét âm ỉ nảy sinh trong từng tổ, từng lớp nếu thầy cô không để ý và tìm cách hóa giải sẽ dần lớn lên và bất chợt bùng phát xung đột. Sâu xa hơn, môi trường trong lành, thân thiện nơi học đường nếu không được nhà trường quan tâm gây dựng, vun vén, giữ gìn thì tình bạn, tình thầy trò sẽ không hình thành một cách tự nhiên và tự giác để trở nên bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn 

Thầy cô không khéo léo, tế nhị và đúng mức trong khen và phê bình có thể dẫn đến sự tách biệt giữa học sinh này với học sinh khác. Chuyện đóng góp tiền quà sáng hay sách báo để ủng hộ học sinh vùng bị thiên tai lũ lụt, gây quỹ lớp, nếu chỉ thông báo và đóng nộp như một động tác “cơ học” giản đơn mà không được giáo viên chủ nhiệm hay cha mẹ học sinh kể chuyện, phân tích về ý nghĩa thì việc thiện nguyện chỉ là hình thức.

Lòng tốt, tình bạn, sự cảm thông hay sự lạnh lùng vô cảm đều hình thành từ tuổi nhỏ và chính nhà trường là nơi giáo dưỡng, chăm bón nhân lên điều tốt đẹp, chế ngự, xóa bỏ những mầm mống thói hư tật xấu cùng những trạng thái tâm lý tiêu cực.

Thật vui và thật yên tâm khi con trẻ về nhà kể chuyện lớp con vui lắm, các bạn yêu quý nhau, thầy cô hay kể chuyện, hay hỏi học sinh về sở thích, thói quen, về cuộc sống ở nhà và thời gian học tập… Ở những lớp, những trường như thế ít có chuyện học sinh hư, lắm phe nhóm mâu thuẫn mà đều sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ nhau. Không thể không so sánh với môi trường học đường trước đây khi điều kiện cuộc sống khó khăn, thầy trò đều phải chung tay sửa sang bàn ghế, che gió che mưa cho lớp học. Trong những năm chiến tranh, thầy trò còn phải cùng nhau đào hầm, tránh bom đạn, cùng trồng rau, nấu ăn, cùng giúp người dân nơi sơ tán gặt lúa, đào mương… Qua những việc thầy trò, bạn bè cùng gánh đỡ, giúp nhau mà  tình thầy trò, tình bạn thêm gắn bó. Bây giờ điều kiện ăn học khá đủ đầy và không nhiều khác biệt thì ngay trong lớp học thường ngày, ngay trong những giờ sinh hoạt chung ở nhà trường, trên sân khấu, sân thể thao hay những buổi tham quan, nếu nhà trường và thầy cô giáo chủ động quan tâm tìm hiểu, nắm bắt các diễn biến tâm lý học sinh sẽ uốn nắn các em vun vén cho tình cảm và thái độ vì tập thể, vì cái chung. Đó là móng nền, là mảnh đất tốt cho tình bạn trong sáng nảy nở và tốt tươi.

NGUYỄN ANH